Quảng Trị: Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị do đồng chí Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đồng chí Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà đã chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2024 tại Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà.
Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương cùng gần 500 doanh nghiệp, đại diện cho 3.408 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Quảng Trị luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nồng cốt, tiên phong, là động lực quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với quan điểm nhất quán đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn luôn quan tâm, động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai hoạt động đầu tư, cũng như trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Quảng Trị đang ngày càng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; đóng góp tích cực và có chất lượng vào tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo việc làm cho người lao động, đồng thời làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần này với mục đích để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo chính quyền các địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp để tăng cường hiểu biết, chia sẻ, nâng cao trách nhiệm của mình và có các giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhanh chóng vượt qua khó khăn, hướng đến các mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, cùng với chính quyền đưa Quảng Trị ngày càng phát triển đi lên.
Hiện nay toàn tỉnh có trên 3.408 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký kinh doanh hơn 70.000 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2024, đã có 251 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 1.969 tỷ đồng. Tổng sản phẩm (GRDP) của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 ướt đạt 28.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 65,70% GRDP của tỉnh.
Rất nhiều doanh nghiệp tại hội nghị đã nêu các vấn đề liên quan đến thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, một số doanh nghiệp phản ánh rằng, trong hồ sơ thủ tục hoàn thuế VAT, thì cùng một chủng loại hàng hóa, nhưng nếu mua tại các tỉnh khác thì khâu kiểm tra truy xuất hàng hóa đơn giản, rút ngắn rất nhiều thời gian, nên hồ sơ hoàn thuế được hoàn thành của doanh nghiệp cũng nhanh gọn.
Còn mua của các doanh nghiệp khác tại địa bàn Quảng Trị thì khâu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa mất nhiều thời gian, nên dẫn đến hồ sơ hoàn thuế chậm hoàn thành, vô hình dung làm khó thêm cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện Cục Thuế tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước đây, theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, nhằm chống gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của nhà nước, việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh nguồn gốc hàng hóa f1, f2, f3… đến nhà sản xuất. Và việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã góp phần hạn chế các doanh nghiệp lợi dụng mua bán hóa đơn để gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Từ quý 4 năm 2023, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị đã tiến hành phân loại hồ sơ hoàn thuế và hoàn thuế trước phần lớn hồ sơ cho người nộp thuế trong thời hạn 6 ngày theo đúng quy định. Đối với các hồ sơ của người nộp thuế thuộc diện phải kiểm tra trước hoàn theo quy định thì Cục Thuế cũng thực hiện hoàn cho người nộp thuế trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo đúng quy định. Do đó, đối với các hồ sơ đã hoàn trước, kiểm tra sau thì việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa của Cơ quan Thuế không làm chậm tiền hoàn thuế hay ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã nêu những vướng mắc, khó khăn trong thủ tục pháp lý ban đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập; các mỏ vật liệu xây dựng khan hiếm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, ảnh hưởng tiến độ giải ngân dự án.
Đối với lĩnh vực đầu tư công hay đầu tư ngoài ngân sách, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính mới có thể triển khai dự án do phải lấy ý kiến của các ngành nhiều lần gây mất thời gian. Song song, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lãnh đạo các ngành thông tin thêm về các giải pháp nhằm tháo gỡ, chia sẻ với doanh nghiệp để động viên, khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Đặc biệt là việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông, hoàn thiện các khu công nghiệp giúp lưu thông vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu thuận lợi và đạt hiệu quả cao.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới cũng như quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; duy trì định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, lồng ghép với việc phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, đặc biệt kịp thời nắm bắt các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền để chủ động xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền thì khẩn trương đề xuất, kiến nghị để được tháo gỡ kịp thời. Quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương và đơn vị trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện việc đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính đối với các sở, ban ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
Tăng cường nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo và đào tạo lại theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững. Đa dạng hóa hệ thống dịch vụ phát triến kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư gắn với thực hiện cải cách về môi trường kinh doanh; hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư trong suốt quá trình hoạt động. Đối xử công bằng, bình đẳng, khách quan đối với các doanh nghiệp, không có sự phân biệt, ưu ái giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp ngoài tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tăng cường đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Mặt khác, giao các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp tỉnh thường xuyên nắm bắt các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh xử lý; Nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động để Hội, Hiệp hội thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền của tỉnh; đoàn kết hỗ trợ thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển sản xuất kinh doanh.
Minh TúTheo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.