Quảng Trị: Khởi động dự án xây dựng sân bay và Khu công nghiệp
UBND tỉnh Quảng Trị chính thức khởi động dự án xây dựng sân bay Quảng Trị. Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị cũng được tỉnh này chính thức khởi động. Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án này sẽ tạo việc làm cho 30.000 - 40.000 lao động.
- Quảng Trị: Chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC
- CIENCO4 góp vốn thành lập Công ty TNHH Cảng hàng không Quảng Trị
- Quảng Trị: Quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tại Hà Nội
- Thách thức, cơ hội cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2023 (Phần 2)
Ngày 15/12, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ khởi động dự án xây dựng sân bay Quảng Trị. Chủ trương đầu tư sân bay Quảng Trị được Thủ tướng phê duyệt theo phương thức đối tác công tư PPP. Dự án này được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai (huyện Gio Linh).
Quy mô xây dựng sân bay Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C; có khả năng phát triển, cho khai thác tàu bay code E và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa/năm trên tổng diện tích hơn 316ha.
Theo kết quả phê duyệt, liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (Hà Nội) là nhà đầu tư trúng thầu dự án sân bay.
Theo ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị ngoài mục đích thương mại, dịch vụ, còn có một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là phục vụ người dân cả nước đến thăm viếng, tri ân liệt sĩ trên mảnh đất Quảng Trị.
Dự kiến đến năm 2026 sẽ đầu tư xây dựng các công trình cơ bản để đưa sân bay Quảng Trị vào khai thác, với các công trình chính như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, ga hành khách.
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Trị và các nhà đầu tư đã tổ chức lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Quảng Trị.
Theo đó, dự án này được thực hiện bởi Công ty TNHH liên doanh Phát triển Quảng Trị. Đây là liên doanh của Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Công ty cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa của Thái Lan và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản.
Các ngành công nghiệp mục tiêu của khu công nghiệp này bao gồm dệt may, giày dép, bao bì và in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống.
Tại lễ khởi công, có 5 doanh nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ để thuê đất tại Khu công nghiệp Quảng Trị. Trong đó, Công ty Winzen Holding của Hong Kong (Trung Quốc) và Công ty Join Success Wealth của Singapore có kế hoạch thực hiện sản xuất may mặc tại khu công nghiệp. Ba doanh nghiệp còn lại là của Việt Nam, sẽ tham gia sản xuất đồ nội thất và phân phối xe máy.
Khu công nghiệp Quảng Trị sẽ được phát triển trong 12 năm. Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ tạo việc làm cho 30.000 - 40.000 lao động.
Được biết, dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng trên tổng diện tích 481ha. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 97,4ha - tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Dự án thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Thái QuảngGiá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.