Quảng Trị: Thị trường hàng hóa sau Tết ổn định, ít biến động về giá

Địa phương
05:14 PM 28/01/2023

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân trở lại nhịp sống bình thường. Thị trường tiêu dùng tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến do nguồn cung được đảm bảo, đặc biệt là tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trước đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết, đặc biệt là một số mặt hàng thiết yếu, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc trích từ ngân sách tỉnh cho các doanh nghiệp tạm ứng để dự trữ hàng hóa bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng kinh phí thực hiện là 13,305 tỉ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị là 6,105 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà (siêu thị Co.opmart Đông Hà) là 7,2 tỉ đồng.

Các mặt hàng dự trữ gồm gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, thịt bò, đường, muối, mứt, bánh, kẹo, dầu thực vật, muối, rau củ quả, trái cây. Mặt khác, để góp phần bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, theo dõi, nắm bắt diễn biến và dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung - cầu hàng hóa, trong đó chú trọng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân trong dịp tết Nguyên đán. Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Vì vậy, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh  cả trước , trong và sau Tết cơ bản ổn định, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.

Quảng Trị: Thị trường hàng hóa sau Tết ổn định, ít biến động về giá cả. - Ảnh 1.

Các Đội Quản lý thị trường tăng cường tuyên truyền trực tiếp đối với các cơ cơ sở kinh doanh đầu mối, phân phối hàng tiêu dùng trong dịp Tết Qúy Mão

Theo báo cáo nhanh của Sở Công thương Quảng Trị, tình hình thị trường Tết năm nay cơ bản ổn định, hầu hết các mặt hàng không có sự biến động lớn. Nhìn chung, sức mua sắm của người dân không có biến động.

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ổn định, riêng một số mặt hàng thực phẩm như cá, thịt, rau xanh... tăng nhẹ, trung bình khoảng 5-10% so với ngày bình thường. Đặc biệt, năm nay thời tiết rét muộn kèm theo mưa nên sức mua tập trung tăng cao vào những ngày sát Tết và kéo dài đến hết ngày 30 tháng chạp.

Xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng có nhiều thay đổi, lượng người tiêu dùng đến mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng đông do tại đây giá cả ổn định, hàng hoá phong phú, chất lượng đảm bảo, qua đó đã góp phần giảm áp lực cho các chợ truyền thống và tạo ổn định giá cả trên thị trường.

Quảng Trị: Thị trường hàng hóa sau Tết ổn định, ít biến động về giá cả. - Ảnh 2.

Do thời tiết nên năm nay giá rau củ quả có tăng nhẹ

Nhiều mặt hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm như đường cát, dầu ăn, nước mắm, bánh, kẹo, mứt… giá cả ổn định do nguồn cung lớn. Đặc biệt hàng Việt Nam sản xuất ngày càng có nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú và chất lượng tiến bộ vượt trội nên chiếm thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Giá các loại bia, rượu và nước ngọt năm nay biến động không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 do lượng hàng trong các siêu thị, cửa hàng rất dồi dào.

Đáng lưu ý, từ chiều 29 tháng chạp, giá các loại hoa, cây cảnh giảm mạnh so với các ngày trước đó do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào mua sắm những hàng hóa thiết yếu phục vụ gia đình.

Ghi nhận tại chợ Đông Hà, ngay trong sáng mùng 2 tết Nguyên đán, các mặt hàng rau xanh, củ, quả và thủy, hải sản đã được nhiều tiểu thương bày bán trở lại và rất "hút" khách. Mặt khác, theo phong tục truyền thống, người dân thường đi lễ đầu năm nên các mặt hàng như hoa quả tươi, bánh kẹo phục vụ việc đi lễ cũng được nhiều người tìm mua.

Quảng Trị: Thị trường hàng hóa sau Tết ổn định, ít biến động về giá cả. - Ảnh 3.

Hoa quả tươi cũng là mặt hàng tiêu thụ ổn định sau Tết.

Theo quan sát và ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống, so với mọi năm, năm nay giá cả của nhiều loại rau xanh, củ, quả có biến động hơn do ảnh hưởng của thời tiết. Trong đó, tăng giá mạnh nhất là các loại rau ăn lá như rau cần, rau muống, rau khoai, rau xà lách xoong tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/bó…

Một số loại củ, quả cũng tăng giá nhẹ, như cà rốt từ 18 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/kg; cà chua tăng 29 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng/kg; khoai tây 25 nghìn đồng tăng lên 30 nghìn đồng/kg... Trong khi đó, các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, tôm, cá… phong phú, giá cả ngang với trước Tết, không tăng cao so với ngày thường.

Có thể thấy, trong dịp tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. Giá cả các mặt hàng ổn định là tín hiệu vui trong việc bình ổn thị trường.

Có được những kết quả đó, một phần là thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi tích cực, không còn tâm lý mua hàng tích trữ. Quan trọng hơn là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến và vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Thái Quảng - Đỗ Việt
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.