Quảng Trị: Triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế
Mới đây, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Đồng chí Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT chủ trì cuộc họp.
- Quảng Trị: Kiểm tra các mô hình nông nghiệp, phát triển sản xuất trên địa bàn
- Thắm tình quân dân với chương trình "Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản - Tết nhân ái" ở vùng biên Quảng Trị
- Quảng Trị: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
- Quảng Trị: Kiểm tra tiến độ dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng
Theo báo cáo, toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 1.981 Tổ hợp tác (THT) với 23.910 thành viên, doanh thu bình quân của THT 407 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân 91 triệu đồng/năm, 9 THT đã có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.
Trong đó có 341 Hợp tác xã (HTX) với 82.256 thành viên, số lao động thường xuyên là 14.251 người (trong đó HTX lĩnh vực nông nghiệp có 12.971 người. Quỹ Tín dụng nhân dân có 126 người, giao thông vận tải có 1.154 người), thu nhập bình quân một lao động HTX 35 triệu đồng, 21 HTX có sản phẩm OCOP. Có 2 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 14 HTX thành viên.
Trong năm 2023, tỉnh đã thành lập mới thêm nhiều HTX ở vùng núi, đặc biệt ở huyện Đakrông. Một số mô hình HTX kiểu mới, THT trang trại gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị kinh tế cao, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX đã được hình thành.
Về mô hình KTTT trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển các sản phẩm chủ lực tại đia phương đã được ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, phong trào KTTT, HTX trong năm qua đã phát triển có nhiều khởi sắc, hoạt động đa dạng về ngành nghề, có nhiều mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao, liên doanh liên kết hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên ngày càng được nâng cao.
Năm 2024, Ban chỉ đạo KTTT tỉnh đề ra các nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện: Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ KTTT trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 68/2022/NQ-HĐN của HĐND tỉnh, Quyết định 3011/QĐ-UBND của UBND tỉnh; các Sở, ngành liên quan tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ cho việc phát triển các mô hình liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững; Xây dựng và phát động các phong trào thi đua yêu nước theo từng chuyên đề trong khu vực KTTT, HTX nhằm triển khai tốt các phong trào thi đua do UBND tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam phát động.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo tham mưu các vấn đề còn tồn tại hạn chế. Nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc của Ban chỉ đạo, phân công địa bàn cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo. Chủ động làm việc với các địa phương, tổ chức các diễn đàn, đối thoại chính sách theo từng nhóm, ngành để nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của thành viên, cũng như khó khăn vướng mắc để tháo gỡ. Từ đó khuyến khích phát triển KTTT của tỉnh.
Mặt khác, giao cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tham mưu Ban chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Luật HTX 2023, có kế hoạch mời chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về phổ biến để nắm bắt, thực hiện. Tham mưu đề xuất thực hiện phương án chuyển đổi mô hình hoạt động quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, quản lý có hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch, tránh lãng phí.
UBND tỉnh ban hành kế hoạch tháng hành động về HTX, tổ chức Hội nghị biểu dương các HTX tiêu biểu, lấy mô hình nhân rộng mô hình, có kế hoạch phân công các thành viên. Ban chỉ đạo thăm hỏi, động viên các HTX làm ăn tốt, tiêu biểu, tư vấn hỗ trợ các HTX ở cơ sở còn yếu kém trong hoạt động để có phương án chuyển đổi, sáp nhập hoặc giải thể một cách hợp lý, phù hợp xu thế.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTT, tập trung tháo gỡ các tồn tại trong KTTT. Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại HTX trên địa bàn, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển KTTT.
Minh TúViệt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.