Quảng Xương: Hầu hết các chỉ tiêu đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022
Trong năm 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng mạnh so với cùng kỳ.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, huyện Quảng Xương đã đạt được kết quả cao, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong đó 29/33 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 được HĐND huyện quyết nghị đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 16,8%; Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 3.775 tỷ đồng, bằng 100,7% kế hoạch, tăng 6,2% so với cùng kỳ; Hoàn thành 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; có 7 sản phẩm OCOP được xếp hạng. Ước thực hiện thu Ngân sách Nhà nước đạt 1.732,8 tỷ đồng (tăng 204%) so với dự toán tỉnh giao, gấp 1,42 lần (tăng 42%) so với dự toán HĐND huyện giao. Công tác GPMB đã đạt được kết quả tích cực; Công tác quy hoạch đã hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược.
Chất lượng giáo dục tiếp tục đạt thành tích nổi bật, tham gia hoạt động thể thao cơ sở đạt thành tích xuất sắc, tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ 9 huyện Quảng Xương xếp thứ 2 toàn tỉnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hoạt động tích cực, trách nhiệm, hiệu quả; đời sống nhân dân được cải thiện; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố.
Trong năm 2022, HĐND huyện đã tổ chức thành công các kỳ họp thường lệ và chuyên đề, thông qua 72 nghị quyết. Các nghị quyết được thông qua đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện 14 Kế hoạch giám sát theo đúng chức năng và thẩm quyền; thực hiện 114 cuộc khảo sát; thực hiện 7 cuộc giám sát chuyên đề tại 14 đơn vị; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đạt hiệu quả cao.
Huyện cũng đã hoàn thành việc lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng vùng huyện đến năm 2045, quy hoạch chung thị trấn Tân Phong, quy hoạch đô thị Tiên Trang, quy hoạch các cụm công nghiệp và một số quy hoạch quan trọng khác; thu hút được một số tập đoàn lớn đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn, như SunGroup, BRG, DANCO, KITA...
Thời gian qua, cùng với việc tạo điều kiện, khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững; huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huy động tối đa nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và thôn NTM kiểu mẫu; phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, lấy phục vụ lợi ích cho nhân dân làm động lực trong xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của từng xã, từng vùng để xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, toàn huyện đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để triển khai, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí; vận động nhân dân tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn; đường giao thông.
Từ đó, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư khang trang, sạch đẹp với hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng gắn với việc trồng hoa, cây xanh ven đường; công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải được thực hiện đúng nơi quy định; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên, an sinh xã hội được thực hiện tốt; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã xã hội được giữ vững. Đến nay, toàn huyện đã có 07 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 01 xã và 37 thôn được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu…
Với phương châm "Khó đâu gỡ đó", cùng với sự chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, diện mạo nông thôn đổi mới tại huyện Quảng Xương đã khởi sắc từng ngày; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Từ những kết quả đã đạt được huyện tăng cường triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực, qua đó làm cơ sở để các địa phương phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022 và những năm tiếp theo theo lộ trình, kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và phát huy được những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông của địa phương lãnh đạo huyện Quảng Xương xác định: Để thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đề ra, Quảng Xương cần nhận thức, đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế, thời cơ, thuận lợi và những khó khăn thách thức.
Trước mắt, cần phải đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư hạ tầng NTM nâng cao. Cùng với đó, ưu tiên hoàn thành hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng các khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; cân nhắc, lựa chọn thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm, quy mô lớn để tạo động lực và sức lan tỏa trên địa bàn. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhanh chóng hình thành các khu sản xuất rau củ quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế biển trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh, gắn khai thác, nuôi trồng với chế biến và dịch vụ, tập trung xây dựng một số sản phẩm thế mạnh, có thương hiệu của địa phương.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và chương trình OCOP. Khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển của địa phương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, môi trường; khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai hợp lý, hiệu quả. Có như vậy mới khơi dậy được khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Yến HoàngTrong báo cáo cập nhật kinh tế về Việt Nam công bố ngày 12/12, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025.