Quảng Xương - Thanh Hóa: Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt nhiều kết quả tích cực

Địa phương
10:04 AM 20/05/2021

Nhận thấy triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là cơ hội đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành các kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn trong địa bàn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh…

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết, trên cơ sở nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Quảng Xương bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực trong Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện đạt chất lượng tốt.

Quảng Xương - Thanh Hóa: Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh 1.

Vườn dưa chuột baby của Công ty TNHH Phong Cách Mới.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện. Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, nhất là khu vực các làng nghề, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong tổ chức. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế "xanh", phát triển các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tại huyện Quảng Xương hiện vẫn gặp không ít khó khăn, như: nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của một số ít người dân về Chương trình chưa thực sự đầy đủ; còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có; nhiều tổ chức kinh doanh chưa chủ động đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; việc xúc tiến thương mại chưa tập trung, chưa thực sự giúp làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của sản phẩm OCOP…

Thực tế triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" ở Quảng Xương cho thấy, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình sẽ là cơ sở quan trọng khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân trong huyện.

Chủ tịch huyện cho biết thêm: Thời gian tới, huyện Quảng Xương sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm cấp huyện, tỉnh. 

Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình… Tập trung thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như HTX, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; giúp tăng thu nhập và phát triển đời sống của người sản xuất. Đó là cái đích mà huyện Quảng Xương vươn tới.

Tạo đà cho OCOP

Làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, anh Nguyễn Văn Hải, chuyên viên cho biết: Sự nỗ lực của địa phương trong phát triển OCOP đã trở thành nguồn động lực để các cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Chương trình OCOP đã và đang có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, vùng nguyên liệu để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. 

Nổi bật có thể nhìn rõ sự thay đổi tích cực như sản phẩm nước mắm Sông Yên (Hộ gia đình ông Trần Văn Nuôi, thôn Trung, xã Quảng Nham); dưa Kim Hoàng Hậu (hộ gia đình ông Trần Văn Thảo, xã Quảng Hợp), với diện tích nhà lưới gần 40 ha; dưa bao tử: thị trấn Tân Phong, xã Quảng Chính, Quảng Hợp, Quảng Lưu.v.v… bình quân thu hoạch từ 500-600 triệu đồng/ha/năm; ngoài ra còn có sản phẩm đặc trưng như nước mắm cáy Quảng Phúc; trứng gà sạch Quảng Định, Quảng Lưu… Anh Hải cho hay: Nhiều sản phẩm OCOP đã đang được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng tiếp cận thị trường. Và khi đã được thị trường công nhận sẽ góp phần gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu, góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống; giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

Quảng Xương - Thanh Hóa: Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đạt nhiều kết quả tích cực - Ảnh 2.

Vườn dưa taky của Công ty TNHH Phong Cách Mới.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" ở Quảng Xương đã đạt được những kết quả tốt đẹp; tuy nhiên, thời gian qua, Chương trình OCOP còn nhiều khó khăn, số lượng sản phẩm có chiều hướng tăng nhưng chưa thật sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là những sản phẩm có lợi thế.

Trong quá trình triển khai còn thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào Chương trình, chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể, hoạt động phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm, nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa chú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng.

Mặt khác, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được huyện và xã triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Đặc biệt là công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh.

Song lãnh đạo huyện Quảng Xương đã nhìn rõ những điều bất cập trên, và tiến hành xây dựng hệ thống tổ chức OCOP. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; bố trí cán bộ, công chức kiêm nhiệm tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã gắn với chương trình xây dựng NTM; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; hàng tháng tổ chức giao ban đánh giá tiến độ thực hiện các công việc để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời nghiên cứu đề xuất chính sách riêng của huyện để ưu tiên phát triển, hoàn thiện các nhóm sản phẩm OCOP chủ lực của huyện.

Tập trung quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn, công nghệ cao như vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trong nhà lưới, nhà kính, vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao quy mô lớn, vùng nuôi trồng thủy sản; hình thành các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu sản phẩm nông sản của huyện nhà. Do đó, cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, từng bước đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng

Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.