Quảng Xương (Thanh Hóa): Chuyện những người nghèo từ chối nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19
“Thôi vợ à! Dành lại phần hỗ trợ của gia đình mình cho những người họ khó khăn hơn! Mình nghèo thật nhưng có nhà, có cửa và anh vẫn lo cho 5 mẹ con được, chưa tới mức phải nhận trợ cấp!”.
Đó là câu hội thoại của vợ chồng ông Phương, bà Ngọc (thôn Tân Cổ, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Tôi đánh giá, đây là lời từ chối đặc biệt. Bởi lời từ chối đó chính là sự sẻ chia, gắn kết cộng đồng, lan tỏa tình yêu thương…
Mặc cho cái nắng như đổ lửa những ngày này, người dân thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương) vẫn không ngần ngại cầm trên tay lá đơn xin từ chối nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Bà Lê Thị Ngọc (thôn Tân Cổ) tạo cho tôi cảm tình đặc biệt. Trên chiếc xe mini màu gỉ sét, bà Ngọc dáng mảnh khảnh, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, nét gầy khắc khổ, song vẫn nhoẻn miệng cười tươi khi được hỏi “vì sao bà lại không nhận tiền hỗ trợ từ cán bộ chính sách?”.
Bà Lê Thị Oanh (bên trái) cán bộ chính sách xã hội thị trấn Tân Phong,
đang giải thích cho bà Ngọc về gói hỗ trợ Covid-19.
Bà Ngọc cho biết: Nhà còn nhiều lúa gạo, lại sắp tới vụ gặt mới. Tự túc được cán bộ à! Đận rồi mình còn tham gia ủng hộ các quỹ phòng chống dịch Covid-19, chẳng có lẽ giờ lại đi nhận tiền hỗ trợ! Len mình qua con hẻm nhỏ thôn Tân Cổ, trước mắt chúng tôi là căn nhà cũ kỹ của gia đình bà. Do trời oi nóng nên mấy bà cháu tụm mình dưới bụi hoa giấy đầu ngõ. Bà Lê Thị Oanh - cán bộ chính sách thị trấn cũng có mặt. Bà Oanh bảo, gia đình bà Ngọc thuộc diện thực sự khó khăn. Nhà có 6 khẩu, 2 khẩu thuộc diện hưởng chế độ 67, có 1 lao động duy nhất. Tuy nhiên bà Ngọc kiên quyết không nhận tiền hỗ trợ và khẳng định để nhường lại cho những người nghèo khó hơn.
Rót nước mời chúng tôi, bà Ngọc thở dài: Số tôi vất vả lắm các chú à! Bản thân đang tuổi lao động, nếu đi làm công nhân tháng cũng có 5-6 triệu đồng, nhưng gia cảnh không cho mình được lựa chọn. Hai đứa con còn nhỏ, vợ chồng lại nhận nuôi thêm 1 đứa cháu của anh chị (do bố mẹ ly hôn). Trong 3 đứa, đứa đầu đang hưởng chế độ 67 cùng với mẹ già thường xuyên đau ốm. Nghĩ nhiều lúc mình chồng đi làm cũng rầu, cũng thương nhưng thực tế cũng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Đơn viết tay của bà Ngọc gửi chính quyền địa phương xin chuyển số tiền
hỗ trợ tới những gia đình có hoàn cảnh, khốn khó hơn gia đình mình.
“Tôi thấy trên mạng cũng lan truyền nhiều thông tin thế này, thế nọ về việc từ chối nhận tiền hỗ trợ. Nhưng có là người trong cuộc như tôi mới rõ!” - bà Ngọc rưng rưng nước mắt nhìn 3 đứa con tuổi ăn học mà thở dài. Đứa đầu (học lớp 7) bà bảo cháu bị giãn não thể, thường xuyên có những hành động mất kiểm soát. Mẹ già thì bị bệnh thường xuyên đau ốm, hưởng chế độ 67 của Nhà nước. “Nói không phải để kể khổ, nhưng những mảnh đời éo le như mình, ngoài xã hội còn nhiều lắm! Nhà mình nói thế vẫn còn chồng mình đi làm, bản thân còn lo được thước ruộng, làm thuê lặt vặt trong thôn, xóm có dăm ba đồng tiền công. Sự ủng hộ của gia đình là xuất phát từ tâm mình, nước mình còn nghèo, xã hội còn nhiều những người éo le, cùng khổ hơn”.
Bà Ngọc hi vọng đừng ai bình xét nó là thật hay bị ép buộc. Bởi đó là tinh thần vì cộng đồng. Đến cụ bà, cụ ông 80 đến 90 tuổi, các cụ còn dành tiền tiết kiệm cả triệu động để ủng hộ dịch, hỗ trợ đất nước thì vì sao những người nghèo nhưng chưa cùng cực như gia đình bà lại không thể từ chối?!...
Câu chuyện “nhường cơm, sẻ áo” của gia đình bà Ngọc, họ không phải là trường hợp duy hiếm ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương nói riêng, mà ở tỉnh Thanh này còn đó hàng nghìn người sẵn sàng từ chối quyền lợi của mình để chung tay san sẻ cho những mảnh đời còn nhiều khó khăn, vất vả. Bà Lê Thị Oanh - cán bộ chính sách xã hội thị trấn Tân Phong cho biết: “Tính đến nay, thị trấn Tân Phong đã giải ngân được hơn 3 tỷ đồng với 2.775 đối tượng. Trong đó, có 140 đối tượng làm đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ và ủng hộ lại để phòng chống dịch với số tiền 100 triệu đồng. Tôi đánh giá, đây được xem là những hành động hết sức ý nghĩa tiếp nối những ngày trước đó người dân thị trấn nồng nhiệt tham gia ủng hộ chống dịch với kết quả ủng hộ cao”.
Tiến Anh
Đây là 1 trong 15 chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội.