Quảng Xương: Xếp thứ 2 trong Bảng xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ cấp huyện
Những năm gần đây, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa luôn chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng qua đó giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước nâng cao mức độ xếp hạng hoàn thành nhiệm vụ trong Bảng xếp hạng 27 huyện, thị xã, thành phố.
Bằng sự chủ động, linh hoạt, huyện Quảng Xương chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, qua đó giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Lần đầu tiên Quảng Xương đã vươn lên vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng mức độ hoàn thành nhiệm vụ cấp huyện.
Với những nỗ lực đó, tại Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 8/2/2023 của UBND tỉnh vừa mới ban hành về công nhận kết quả thực hiện và xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của các sở, cơ quan ngang sở, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Quảng Xương đã bứt phá ấn tượng, đứng thứ 2/27 huyện, thị xã, thành phố, nằm trong top các huyện, thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết quả này tăng 3 bậc so với năm 2021, tăng 8 bậc so với năm 2020 và tăng 19 bậc so với năm 2019.
Năm 2022, Quảng Xương đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, điển hình như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 16,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ước đạt 3.775 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước gấp 3,04 lần dự toán tỉnh giao. Quảng Xương là huyện có số thu ngân sách cao đứng thứ 3 toàn tỉnh...
Theo báo cáo thẩm định và xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Quảng Xương có 3/6 tiêu chí đạt điểm tối đa là: Tiêu chí kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiêu chí về kết quả thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiêu chí về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Có 1 tiêu chí đứng thứ nhất trong Bảng xếp hạng (cùng với Đông Sơn) là tiêu chí điểm thưởng, phạt. Báo cáo thẩm định cũng nêu rõ điểm thưởng cho UBND huyện Quảng Xương gồm thực hiện chỉ tiêu về diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng công nghệ cao vượt kế hoạch được giao; thực hiện đạt hoặc vượt 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đạt tỷ lệ 100%.
Quảng Xương xếp thứ 5/27 huyện, thị xã, thành phố về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước; đứng thứ 5/27 huyện, thị xã, thành phố về tiêu chí thực hiện cải cách hành chính. Đây là những kết quả ấn tượng, đánh dấu lần đầu tiên Quảng Xương xếp thứ 2 trên Bảng xếp hạng.
Để đạt được những kết quả vượt bật như trên, Quảng Xương đã biết vận dụng tối đa những thế mạnh sẵn có nhất là vị trí địa lý chiến lược, tập trung hoàn hiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối các vùng trong huyện và đường các trung tâm kinh tế khu động lực của tỉnh với các dự án giao thông lớn; chỉ đạo có hiệu quả tái cơ cấu, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với các vùng chuyên canh cây trồng, nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập cho người lao động; phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các ngành dịch vụ du lịch, thương mại, ngành công nghiệp chế biến, khai thác và nuôi trồng thủy sản…
Cùng với việc phát huy tiềm năng lợi thế, trong quá trình triển khai, huyện đã tập trung hoàn thành các quy hoạch quan trọng, có tính chiến lược; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; từ đó đã có bước đột phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư và đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Kết quả này cũng minh chứng cho quá trình phấu đấu bề bỉ, quyết tâm, quyết liệt lâu dài; sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở; đồng thời, ngay đầu năm 2022 huyện đã xác định đúng và trúng trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành; tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ một cách bài bản, khoa học, quyết liệt.
Đặc biệt, trong năm 2022 vừa qua, huyện đã ban hành được nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Hỗ trợ kinh phí thực hiện duy trì, phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Xương năm 2022; hỗ trợ cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu năm 2022; hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ kinh phí lập Quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030; hỗ trợ khuyến khích chỉnh trang hạ tầng giao thông, hạ tầng khu dân cư trên địa bàn huyện năm 2022; Đề án xây dựng Trường THCS Nguyễn Du thành trường trọng điểm chất lượng cao giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến năm 2030… Đây là những quyết sách quan trọng, có ý nghĩa tạo nền tảng và dài lâu cho sự phát triển bền vững của huyện trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những kết quả đạt được nói trên chính là cơ sở và là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phát huy nội lực, chủ động tận dụng tối đa các cơ hội, huy động trí tuệ, nguồn lực của Nhà nước và xã hội, tạo thế và lực mới để huyện vững bước phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung thực hiện thắng lợi kế hoạch hành động về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023 với chủ đề của năm là: nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; phấn đấu xây dựng Quảng Xương năm 2025 đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030 trở thành thị xã và trở thành một trong các huyện, thị xã, thành phố đứng top đầu của tỉnh.
Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, song tin tưởng rằng, Quảng Xương sẽ nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tiếp tục tận dụng các cơ hội, phát huy những kết quả và thành tựu to lớn đã đạt được.
Yến HoàngTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.