Quê hương trong trái tim Người!

Diễn đàn
10:29 AM 17/05/2022

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trên mảnh đất quê hương Nam Đàn chỉ trong khoảng 10 năm, nhưng quê hương vẫn luôn là nguồn cội, là gốc rễ đã tạo dựng, hun đúc nên Người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Phải đến 50 năm xa cách, Người mới có dịp về thăm lại quê hương Nghệ An. Cũng từ đó, những câu chuyện kể về Người khi trở về thăm quê luôn làm người nghe xúc động và càng thêm thương mến!

Nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhớ đến một con người xứ Nghệ, một tâm hồn xứ Nghệ. Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng của quê nhà. Sau hàng chục năm xa quê, ngày trở lại, Người xúc động nói: "Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình". Người không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ - của hồi môn ít ỏi của mẹ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha, những câu chuyện kể của bà...

Có một điều rất xúc động là khi ấy Bác Hồ về thăm lại quê hương không phải với cương vị Chủ tịch nước, mà chỉ với tư cách là một người con đi vắng xa nhà rất lâu, nay thăm lại quê cha, đất mẹ, thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, thăm lại bạn bè, bà con lối xóm với tình cảm rất đỗi giản dị, thân thương, bồi hồi, xúc động. Người đã ân cần thăm hỏi bà con về sức khoẻ, về lao động sản xuất, về cuộc sống hàng ngày. Người hỏi về giếng Cốc, lò rèn cố Điền nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm tuổi ấu thơ. Người hỏi thăm gia đình cố Phương - một cố nông nghèo nhất làng khi Người còn sống tại Làng Sen.

Quê hương trong trái tim Người! - Ảnh 1.

Người nhớ và ghi sâu công đức người thầy khai tâm của mình, những kỷ niệm với người bạn câu cá, nhà ông thợ rèn, những buổi trưa thả diều, chăn trâu, đánh trận giả... Trong bữa ăn thường ngày, Người vẫn ưa món tương, nhút, quả cà giòn tan, mằn mặn của quê nhà. Trong tình cảm thân thương, trong nếp sống giản dị của Người luôn luôn có hình dáng của quê hương xứ Nghệ! Người đã đi khắp thế giới, gặp gỡ với biết bao bạn bè năm châu và đã mang lại cho dân tộc ta Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Trên con đường vạn dặm ấy, bước chân đầu tiên của Người được bắt đầu từ quê hương Nam Đàn, Nghệ An.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có tình yêu quê hương tha thiết, đã từng phải sống xa quê hương Nghệ An nửa thế kỷ. Từ năm 1906, Người rời Làng Sen theo cha vào học ở kinh đô Huế. Năm 1911, Người đi tìm đường cứu nước và bôn ba hải ngoại suốt ba mươi năm. Đến năm 1941, Người mới trở về nước. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mãi tới năm 1957, Bác Hồ mới có dịp về thăm quê hương lần thứ nhất -  sau năm mươi năm xa cách. 

Quê hương trong trái tim Người! - Ảnh 2.

Thời gian Người sống trên mảnh đất quê hương Nam Đàn chỉ trong khoảng 10 năm, nhưng  quê hương vẫn luôn là nguồn cội, là gốc rễ đã tạo dựng, hun đúc nên thiên tài Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Trên con đường hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên hầu khắp các châu lục, nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, thông thuộc nhiều thứ tiếng nước ngoài. Vậy mà một đêm ở Thái Lan xa xôi, Người thốt lên: "Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con". Dù ở nơi đâu, quê hương vẫn luôn là tình cảm ấm áp, là nỗi nhớ thiêng liêng trong tình cảm của Người.

Ra đi tìm đường cứu nước với một mong muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành. Và trong hành trang giản dị của người, còn có một nỗi lòng thương nhớ quê hương da diết. Ba mươi năm sống và hoạt động ở nước ngoài cũng là ba mươi năm hình ảnh quê hương đất nước đồng hành cùng với Bác. Bác nhớ quê hương đất nước đến từng nắm đất, gốc cây, bụi cỏ, lối đi, từng lời ru của mẹ, câu hát ví dặm quê nhà... Phải đến 50 năm xa cách, Người mới có dịp về thăm lại quê hương Nghệ An. Cũng từ đó, những câu chuyện kể về Bác khi trở về thăm quê, vẫn luôn làm người nghe xúc động và càng thêm thương mến!

Quê hương trong trái tim Người! - Ảnh 3.

Đại biểu thiếu nhi Làng Sen dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đón Người về thăm lại quê hương Kim Liên, Nam Đàn lần thứ hai từ ngày 8 đến ngày 9/12/1961 (Ảnh Tư liệu)

Chỉ sống trên mảnh đất Nam Đàn thuở thiếu thời, và sau đó là hơn nửa thế kỷ xa cách quê hương. Thế nhưng, trong ký ức của Người vẫn luôn nhớ tất cả những gì đã gắn bó với Người trong quãng thời gian đó. Và đến giây phút cuối, Người vẫn luôn đau đáu về quê hương, vẫn thiết tha với những câu hò ví, dặm xứ Nghệ nặng nghĩa nặng tình!

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) nhân dân và Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã và đang tổ chức nhiều chương trình văn hóa – chính trị quan trọng, nhiều hoạt động ý nghĩa. Thể hiện lòng biết ơn, thành kính của toàn thể nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất! Tiếp tục thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; giới thiệu và quảng bá về văn hóa Làng Sen, quê hương Nghệ An tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Quê hương trong trái tim Người! - Ảnh 4.

Liên hoan "Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022" được tổ chức từ ngày 17/5 đến ngày 28/5/2022 tại Nhà hát dân ca Nghệ An. Lễ khai mạc vào lúc 20h ngày 17/5 tại sân vận động xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, kết hợp trong chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2022. Lễ bế mạc vào lúc 20h00 ngày 19/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh).

Liên hoan nghệ thuật quần chúng "Tiếng hát Làng Sen" và cuộc thi "Sắc Sen xứ Nghệ" được tổ chức từ ngày 18 và 19/5/2022 tại Khu di tích Kim Liên. Từ ngày 17 đến ngày 19/5/2022 đồng thời diễn ra các hoạt động: Khai mạc trưng bày chuyên đề ảnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh); Khai mạc trưng bày chuyên đề ảnh "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" tại Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn); Tổ chức trưng bày, giới thiệu văn hóa ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nghệ An tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh), Khu di tích Kim Liên và sân vận động Làng Sen (huyện Nam Đàn); Trình diễn dân ca ví, giặm và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh); Tổ chức các trò chơi dân gian gắn với hoạt động tuổi thơ của Bác Hồ tại xã Kim Liên, Nam Đàn và nhiều hoạt động văn hóa – thể thao ý nghĩa khác.

Quê hương trong trái tim Người! - Ảnh 5.

Trưng bày chuyên đề ảnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Vinh, Nghệ An)

Mỗi dịp tháng 5 về ngào ngạt hương sen cũng là dịp mà toàn Đảng; toàn quân và nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5. Bác đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước ta; sống mãi trong lòng dân tộc ta và trong trái tim nhân loại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu; một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống hết sức sáng ngời.

Quê hương trong trái tim Người! - Ảnh 6.

Trưng bày ảnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm. Bác Hồ vẫn đời đời sống mãi cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp thế giới. Vì vậy, vẫn như có Bác Hồ; hằng năm tới dịp tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam và cả bạn bè năm châu nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ; ôn lại những bài học quý giá, những việc làm ý nghĩa của Người; sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu; học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.

Thái Quảng - Lê Dung
Ý kiến của bạn