Quê hương xứ Nghệ và những chuyến trở về từ tâm dịch
Dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Theo đó, các cấp ngành ở Nghệ An đã có nhiều động thái tích cực nhằm chủ động hỗ trợ người dân đang công tác, học tập và lao động tại các vùng "tâm dịch" trở về quê hương.Trong vòng 14 ngày gần đây, tính đến hết ngày 12/8, Nghệ An có tổng số 15.306 công dân hồi hương từ các địa phương. Trong đó số người về từ các vùng thực hiện Chỉ thị 16 đang được cách ly tập trung là 11.313 trường hợp, riêng Tp HCM là 3.551, Bình Dương 3.929, Đồng Nai 1.342 và Hà Nội 1.336...
- Nghệ An: Quản lý khoáng sản có thất thoát?
- Chung sức, đồng lòng quyết tâm chống dịch, trong khó khăn càng sáng ngời tinh thần dân tộc!
- Nghệ An: Cần làm rõ dấu hiệu doanh nghiệp sai phạm hoạt động khai thác khoáng sản?
- Nghệ An: Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi có dấu hiệu trốn thuế và hoạt động sai giấy phép?
- Nghệ An: Sản xuất dăm gỗ dưới chiêu bài chạy thử máy.
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày không quên
Đại dịch Covid-19 vẫn luôn là nỗi đe dọa toàn cầu, mỗi đợt xuất hiện lại mang theo biến chủng mới nguy hiểm hơn. Và lần này, với biến chủng Delta – biến chủng siêu lây lan - COVID-19 vẫn luôn là cuộc chiến chưa có hồi kết. Từ Tây sang Đông, các nước đều đang gồng mình trước đại dịch, do sức tấn công đáng sợ của biến thể Delta này.
Khó khăn càng chồng chất thêm khó khăn đối với Việt Nam, khi mà trong đợt dịch này, Tp Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam trở thành tâm dịch. Trung tâm kinh tế lớn của cả nước bị trì trệ bởi dịch bệnh, kéo theo những hệ lụy mà không phải một sớm một chiều có thể khắc phục ngay được. Song một điều đáng tự hào, và cũng rất đáng khâm phục, đó là chúng ta không hoang mang trong cao điểm đại dịch. Và hơn thế, chúng ta vẫn một lòng, cùng nhau kề vai sát cánh, khắc phục từng chút một, để chiến đấu với những khó khăn trước mắt.
Khi số ca nhiễm ghi nhận tại Tp.HCM tăng dần, thì những chủ trương kiên quyết và thắt chặt hơn cách ly xã hội cũng được ban hành. Phong tỏa, cách ly khu vực, rồi giãn cách xã hội. Ai cũng biết rằng, với thành phố đông dân như Tp.HCM, nơi tập trung nhiều lao động nhất cả nước, chỉ một ngày không làm việc, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống từng gia đình như thế nào. Nhưng, ai cũng hiểu, trong lúc này, nếu không kiên quyết, thì đến lúc nào mới dập được dịch.
Kề vai sát cánh…
Bức tường cách ly được dựng lên, cũng đồng nghĩa với những khó khăn cơm áo gạo tiền đè nặng lên những những gia đình lao động ngụ cư ở thành phố này. Đặc biệt là những lao động là công nhân từ các tỉnh thành thuộc miền Trung, miền Bắc. Những người lao động mà "ráo mồ hôi là cạn tiền", thì càng nhiều chật vật. Tất nhiên, đã trải qua 3 lần chống dịch, và kinh nghiệm chống dịch ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, chúng ta cũng đã sớm có kịch bản và những dự tính để hỗ trợ một cách tối đa cho các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.
Ngay sau đó, ngay tại Tp.Hồ Chí Minh, đội hình tình nguyện viên được thiết lập và hành động. Theo số liệu thống kê, hơn 50.000 tình nguyện viên đã được kết nối, 19 đội hình với những nhiệm vụ khác nhau cùng vận hành, tham gia hoạt động. Hơn 6 tỉ đồng là tổng giá trị các phiếu mua hàng tặng sinh viên, người dân của "Cửa hàng 0 đồng". Hơn 270.000 suất ăn cùng hơn 160.000 phần bánh mì, cháo, xôi đã được trao đến những mảnh đời khó khăn. Hơn 8.000 giỏ hàng là nhu yếu phẩm cần thiết được trao tặng đến các hộ gia đình. Hơn 3 tỉ đồng là giá trị lượng hàng hóa "Chợ nghĩa tình" phục vụ bà con tại các khu vực phong tỏa. Hàng trăm tấn thực phẩm được gửi đến người dân thành phố thông qua 6 cây ATM gạo, các chuyến xe nghĩa tình và tủ lạnh cộng đồng… Và những con số này vẫn đang được tăng lên, những hoạt động từ thiện vẫn đang được duy trì mỗi ngày.
Người dân khắp các tỉnh thành cả nước cùng hướng về miền Nam với những hành động thiết thực nhất. Không chỉ là gửi gắm tình cảm, lời động viên cùng nhau cố gắng, mà cả những nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm cũng được liên tục chuyển đến Tp. Hồ Chí Minh không kể ngày đêm. Lực lượng y bác sĩ cũng lên đường tăng cường chi viện. Bộ y tế đã huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch.
Những chuyến hồi hương đặc biệt!
Đến giữa tháng 7, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không việc làm, không thu nhập, cuộc sống của nhiều lao động xa quê gặp nhiều khó khăn hơn. Để giảm bớt những áp lực này, một số lao động tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là lao động ở Tp. Hồ Chí Minh đã tự về quê tránh dịch bằng xe mô tô, trong đó có cả những lao động người Nghệ An.
Những chuyến xe tự phát bằng xe máy, lại chạy đường dài ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Nguy hiểm cho chính bản thân họ và người thân ở quê nhà. Nhưng trong lúc này, sự cảm thông và chia sẻ lại là "ngôn ngữ" chính mà tất cả mọi người dành cho nhau.
Tiếp nhận được thông tin có những lao động người Nghệ An tự phát chạy xe máy hồi hương. Ngay khi đó ở quê nhà Nghệ An, một số hoạt động tiếp ứng và tiếp nhận cũng đồng thời được triển khai. Để hỗ trợ người dân về quê tránh dịch, ở 2 điểm chốt cửa ngõ phía Nam của tỉnh Nghệ An luôn chất đầy những chai nước suối, bánh mì, lương khô, xôi, cháo,... Không chỉ là đồ ăn, nước uống, mà những lao động về quê còn được tiếp sức bằng một hình thức đặc biệt hơn, đó là hỗ trợ tiền mặt để phụ chi phí xăng xe sau chuyến đi dài. Những phong bì 500 nghìn đồng được các mạnh thường quân để trong thùng giấy carton, mọi người tự giác lấy phần của mình khi đến lượt. Không ai tranh giành, không ai lấy thêm, vì ai cũng hiểu được đạo lý "một miếng đói bằng một gói khi no". Và rằng trong hoạn nạn càng hiểu thấu lòng nhau, rằng trong khó khăn, truyền thống tương thân tương ái càng thêm vững bền.
Đồng thời với các hoạt động tiếp ứng, hỗ trợ thì công tác kiểm soát, khai báo y tế và cách ly các công dân trở về từ vùng dịch cũng được tiến hành chặt chẽ. Các lãnh đạo đứng đầu tỉnh Nghệ An và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp đã nhanh chóng họp bàn, thống nhất, và triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ tối đa những lao động người Nghệ An muốn hồi hương. Trưa 20/7, tỉnh Nghệ An tổ chức họp khẩn bàn phương án tiếp nhận công dân từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam có nhu cầu về quê. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, kế hoạch tiếp nhận công dân lần này không chỉ riêng công dân ở Tp. Hồ Chí Minh mà bao gồm tất cả 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Vừa tập trung chống dịch, vừa khẩn trương hoàn thành các công việc để đảm bảo công tác an toàn tiếp nhận các công dân về quê. Tất cả đều nỗ lực hơn công suất để đảm bảo không có sai sót nào xày ra. Các khu cách ly tập trung cũng được nhanh chóng thiết lập, sẵn sàng để tiếp nhận tất cả các công dân hồi hương.
Sáng 23/7, Sở TT&TT tỉnh Nghệ An chính thức ra mắt và đi vào hoạt động website: http://dangkyveque.nghean.gov.vn. Đây là trang Website đăng ký đón công dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trở về từ Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Như vậy, những ai có mong muốn về quê, chỉ cần vào trang web này và đăng ký theo hướng dẫn. Website tiếp nhận đăng ký đã giải quyết được vấn đề cấp thiết, đó là hạn chế tối đa những chuyến xe tự phát của người lao động muốn về quê. Đồng thời, nắm được số lượng công dân sẽ về quê, từ đó có thể chủ động các phương án di chuyển, tiếp nhận và cách ly.
Tất nhiên, đây cũng là một áp lực rất lớn đối với lực lượng chức năng, ban chỉ đạo chống dịch, và những người ở tuyến đầu chống dịch tại địa phương. Nhưng với tất cả trách nhiệm và chia sẻ, quê nhà Nghệ An luôn chào đón tất cả những người con của quê hương trở về. Nhiều phương án được suy tính kỹ lưỡng, không chỉ di chuyển bằng tàu hỏa, mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An còn vận động cả những chuyến máy bay để hỗ trợ tốt nhất, an toàn nhất. Đến đầu tháng 8, "Chuyến bay 0 đồng" đầu tiên xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.Hồ Chí Minh) chở hành khách đáp xuống sân bay Vinh. Những chuyến bay vẫn còn được tiếp tục, vì một nỗ lực không ai bị bỏ lạị, và chúng ta đều có thể về nhà!
Ở Nghệ An trong vòng 14 ngày gần đây (tính đến ngày 12/8) đã đón tổng số 15.306 công dân trở về từ các địa phương. Trong đó số về từ vùng Chỉ thị 16 đang được cách ly tập trung là 11.313 công dân, riêng Tp Hồ Chí Minh là 3.551 công dân, Bình Dương 3.929 công dân, Đồng Nai 1.342 , Hà Nội 1.336, Đà Nẵng 401, Vũng Tàu 183, Bình Phước 158, Khánh Hòa 131…
Ở Nghệ An, các lực lượng y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ. Các xe trung chuyển không kể ngày đêm, làm công tác di chuyển các công dân hồi hương về khu cách ly tại địa phương, hoặc khu cách ly tập trung theo yêu cầu. Sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, khẩn trương và đầy trách nhiệm của những người đứng đầu tỉnh, cùng sự tận tụy, nhất trí, đồng lòng của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, thật sự đã trở thành điểm tựa niềm tin vững chắc của người dân Nghệ An trước cuộc chiến còn nhiều cam go này.
Sài Gòn cũng đã mệt rồi, hãy để Sài Gòn có thời gian nghỉ ngơi, rồi Sài Gòn sẽ khỏe lại thôi. Chúng ta cũng vất vả rồi, hãy trở về bên người thân và gia đình! Sẽ nhanh thôi, chúng ta lại cùng gặp nhau ở Sài Gòn. Chúng ta lại tiếp tục những công việc thường ngày trên thành phố mang tên Bác!
Thái Quảng - Lê DungTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.