Quế Sơn: Điểm đến hấp dẫn bất động sản công nghiệp Quảng Nam
Hai năm qua, Quảng Nam luôn ở tốp đầu miền Trung trong tổng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt nguồn thu từ các doanh nghiệp đóng tại các khu công nghiệp (KCN) lớn trên địa bàn giúp bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Nam đã có những khởi sắc tích cực.
Quảng Nam vươn lên dẫn đầu miền Trung về thu ngân sách
Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam vượt 4.422 tỷ đồng so với dự toán được giao, dẫn đầu các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể, tổng thu ngân sách tỉnh Quảng Nam đạt 23.772 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 19.560 tỷ đồng (vượt dự toán hơn 3.568 tỷ đồng), thu xuất nhập khẩu 4.123 tỷ đồng (vượt dự toán hơn 773 tỷ đồng).
Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.654 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP; đứng thứ 2 tại khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng và quy mô của nền kinh tế.
Cũng theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Nam, năm 2021 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 60.460 tỷ đồng, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng một số lĩnh vực bị đứt gãy, nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng của tỉnh có sự đột phá, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với năm 2020. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ mức tăng trưởng ổn định, tăng 3,56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục đạt những con số ấn tượng, khi tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 8 ước đạt 20.377 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa đạt hơn 16.293 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 4.041 nghìn tỷ đồng, đạt 86% dự toán, đạt 249% so với cùng kỳ.
Đến tháng 8/2022, đã cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 28,9 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 195 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6,02 tỷ USD. Cấp mới 48 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 7.720 tỷ đồng, nâng tổng số dự án còn hiệu lực là 960 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 241 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đến tháng 8/2022 đạt hơn 3,1 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 17,7%; nhập khẩu đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực tăng trưởng trong tháng 8 và 8 tháng qua của Quảng Nam tập trung vào công nghiệp, khoáng sản và dịch vụ giải khát. Trong đó, ô tô du lịch của Tổ hợp sản xuất Thaco Chu Lai tăng 67.900 chiếc…
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu dự kiến tháng 8-2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Cát tự nhiên tăng 23.300 m3, bia đóng chai tăng 4,8 triệu lít, ôtô du lịch tăng trên 7.500 chiếc, xe tải tăng 2.000 chiếc, điện sản xuất tăng 370 triệu Kwh. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Cát tự nhiên khác tăng 245.900 m3; nước ngọt tăng 201 triệu lít; ô tô du lịch tăng 67.900 chiếc, điện sản xuất tăng 3.245 triệu Kwh…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhận định, từ nay đến cuối năm, nếu không có nhiều biến động, thu ngân sách Quảng Nam có thể trên 30.000 tỷ đồng, vượt cao so với dự toán và là con số cao kỷ lục từ trước tới nay. Dù vậy, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu không được chủ quan mà cần tiếp tục cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Bất động sản công nghiệp trở thành điểm hút đầu tư
Những con số trên cho thấy sự đầu tư trọng điểm, đúng hướng của UBND tỉnh Quảng Nam đối với các KCN trọng điểm: Chu Lai - Trường Hải, Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Trảng Nhật... Với việc thu hút được những tập đoàn, doanh nghiệp về các khu công nghiệp, cụm công nghiệp(CCN) đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn, đồng thời tạo cú hích thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, giao thông.... cho toàn bộ tỉnh Quảng Nam.
Chia sẻ về sự vươn lên của bất động sản (BĐS) công nghiệp Quảng Nam, ông Trần Phước Toàn - Tổng Giám đốc Công ty Long Phát Real Estate (Đà Nẵng) cho hay: "Với những gì đã có, các khu công nghiệp trọng điểm tại Quảng Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Về dư địa phát triển và ưu thế sẵn có, tôi đánh giá khu vực huyện Quế Sơn sẽ là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Bởi KCN Đông Quế Sơn hay các CCN Quế Cường, Đồng Dài, Đông Phú 1... đều năm ngay sát trục Quốc lộ 1A, nằm giữa các Khu công nghiệp trọng điểm Đà Nẵng - Quảng Nam. Nhất là thông tin đầu tư dự án Đường từ Quốc lộ 1A (Bình Tú) đến đường nối từ đường Võ Chí Công (nút vòng xuyến Bình Sa) đi KCN Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H, huyện Thăng Bình sẽ mang đến nhiều sự phát triển cho Đô thị Quế Sơn trong tương lai gần".
Cũng vào tháng 7/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 4991/UBND-KTN gửi Bộ Công Thương; Cục Công Thương địa phương liên quan đến hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Phú Ninh và Quế Sơn. Trong đó, có bổ sung CCN Đồng Dài (50 ha), xã Quế Phú, huyện Quế Sơn; dự kiến khi đầu tư hoàn thành sẽ thu hút một số doanh nghiệp đã có nhu cầu đăng ký như: Công ty Intco Medical, chuyên sản xuất các đồ dùng thiết bị y tế cao cấp, diện tích dự kiến thuê đất khoảng 10ha; Công ty Duflex co., LTD, sản xuất hàng may mặc, diện tích dự kiến thuê đất khoảng 5ha; Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, sản xuất điện tử, diện tích dự kiến thuê đất khoảng 20 ha, …
Việc mở rộng CCN Quế Cường (từ 49,23ha lên 75ha), xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn: Trong quá trình rà soát, UBND huyện Quế Sơn xét thấy phần diện tích tăng thêm (khoảng 7ha) không thuận tiện trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nên đề nghị UBND tỉnh thống nhất thực hiện thủ tục mở rộng CCN theo như diện tích đã được duyệt tại Quyết định số 3924/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2035.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương mở rộng CCN Quế Cường, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn từ 49,23ha lên 73ha (diện tích mở rộng là 23,77ha, trong đó 19,23ha đã có trong quy hoạch phát triển và 4,54ha đề xuất tăng thêm).
Đối với KCN lớn nhất tại huyện Quế Sơn, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn số 539/QĐ-UBND ký ngày 28/02/2022 về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) KCN Đông Quế Sơn. Theo đó, hoán chuyển khu hạ tầng kỹ thuật Khu I (tổng diện tích khoảng 219.290m); Khu II (diện tích 92.524m2) trên trục đường chính vào KCN để cải thiện cảnh quan, môi trường của KCN; tạo điều kiện bố trí đất thu hút đầu tư nhà đầu tư; phù hợp với quy định về điều chỉnh quy hoạch tại Khoản 7, Điều 28, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/20218. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy Quế Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn BĐS công nghiệp Quảng Nam trong mắt các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nguyễn TuấnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.