Quốc hội đánh giá báo cáo kết quả và dự kiến phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ

Chính trị - xã hội
06:59 PM 22/07/2021

Ngày 22/7, tại phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Tiếp đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ.

Quốc hội đánh giá báo cáo kết quả và dự kiến phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ - Ảnh 1.

Quốc hội bàn về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025

 

Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu (tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020), với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.

Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

Quốc hội đánh giá báo cáo kết quả và dự kiến phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại Quốc hội

 Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025

Tại phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 22/7, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ.

Theo đó, Uỷ ban Kinh tế nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thì về tổng thể, giai đoạn 5 năm 2016-2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật...

Uỷ ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đã nêu trong Báo cáo, đề nghị Chính phủ quán triệt bám sát Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới một số nội dung. Đó là, quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém; thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước; xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương… Đưa vào vận hành an toàn các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ; sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty nông, lâm nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; chú trọng công tác tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; khắc phục triệt để việc nợ đọng văn bản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về ngân sách nhà nước và thuế; quản lý chặt chẽ các quỹ ngoài ngân sách; cắt giảm mạnh chi thường xuyên, nhất là chi hành chính.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài chính cho các đô thị lớn; quản lý, sử dụng nguồn thu; cơ chế kiểm soát vốn và quản trị doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng hiệu quả tài chính công, tài sản công; các quy định pháp lý về hộ kinh doanh. Tổng kết, đánh giá cơ chế xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập. Hoàn thiện chính sách thương mại; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu phát sinh từ các dự án BOT, BT giao thông. Xây dựng khung chính sách, pháp luật hướng tới chính phủ số; đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao; hoạt động ngân hàng và xử lý nợ xấu. Thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh", tăng tỉ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện, triển khai chiến lược vaccine. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Xử lý dứt điểm tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng. Bảo vệ, chăm sóc, phát triển hệ thống dịch vụ y tế cho người cao tuổi. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; định hướng thông tin cho thanh niên, trẻ em trên môi trường mạng.

Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; đổi mới quản lý hoạt động văn hoá, quan tâm xây dựng các chuẩn mực văn hoá, đạo đức con người Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hoá. Xây dựng, triển khai Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Đầu tư xây dựng, phát triển, quản lý quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ, thông minh, xanh, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới và xu hướng phát triển đô thị hóa nông thôn. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý giáo dục theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ…

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; khuyến khích hợp tác công tư, đầu tư tư nhân, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu; phát triển mô hình bác sỹ gia đình; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc các cơ quan hành chính nhà nước; xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử. Thúc đẩy phát triển, nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng; phát huy vai trò động lực của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, tạo ra các vùng động lực mới.

Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính; mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước; đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đặc thù cho các địa phương; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách, chế độ tiền lương. Cụ thể hóa quy định pháp luật về bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp; tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Khắc phục những hạn chế, tác động tiêu cực của mạng xã hội, đối phó hiệu quả với những thách thức an ninh sinh học, an ninh phi truyền thống. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định; phòng ngừa, đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát huy các lợi thế chính trị, đối ngoại để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài.

Quan tâm phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới, vùng biển, hải đảo. Theo dõi sát diễn biến tình hình Biển Đông, kiên trì, kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Lưu Đoàn (T/h)
Ý kiến của bạn