Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Địa phương
04:12 PM 01/06/2024

Chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nhiều ý kiến thống nhất cao với 14 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Dự thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đoàn Quảng Ngãi; Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đã được Chính phủ trình Quốc hội vào buổi sáng.

Theo đó, dự thảo quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Trong 14 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An thì có 10 chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, hoặc được áp dụng có điều chỉnh, bổ sung đề phù hợp với thực tiễn của địa phương. 4 chính sách mới phát triển mang tính đặc thù riêng của tỉnh Nghệ An cũng rất phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng các chính sách cần cụ thể và chi tiết hơn.

Là địa phương chủ lực trong định hướng phát triển kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ, với lợi thế vị trí địa lý và nhân lực, Nghệ An đang có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để có những đột phá trong phát triển, Nghệ An rất cần các cơ chế đặc thù cùng với chính sách cụ thể, chi tiết và khả thi.

Phát biểu thảo luận, ý kiến các đại biểu thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết. Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhận định: Nghệ An là địa phương có diện tích, dân số và quy mô nền kinh tế lớn của cả nước.

Mặc dù trước đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh; nhưng quá trình phát triển nhận thấy, dù còn tiềm năng, dư địa nhưng trong triển khai thực hiện có rào cản nhất định nên đề xuất thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.

Do đó, qua nghiên cứu, đại biểu Lương Văn Hùng đồng ý và hoàn toàn ủng hộ với những cơ chế, chính sách được đề xuất để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An có bước thúc đẩy để phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai.

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 2.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn Quảng Ngãi phát biểu thảo luận

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nhận định, việc trình Quốc hội ban hành bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An là rất đúng và rất kịp thời, để Nghệ An có thêm điều kiện phát triển.

Vì mặc dù trong nhiều năm qua, Trung ương rất quan tâm có những Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý (cơ chế, chính sách) đủ mạnh để phát huy hết được tiềm năng, lợi thế; trong khi tiềm năng, lợi thế đều có, nhất là tiềm năng về nguồn lực, nhân lực nhưng cũng là địa bàn ở "khúc ruột miền Trung" có nhiều khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

Đặc biệt, dẫn quy định trong dự thảo Nghị quyết: "Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này", đại biểu Hoàng Duy Chinh nhận định, điều này thể hiện sự "cởi mở hơn, giao quyền nhiều hơn cho địa phương rất rõ", tạo điều kiện cho địa phương dễ thực hiện. Đây là chủ trương đúng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn bấy lâu nay.

Mặc khác, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cũng đánh giá, dự thảo Nghị quyết có nội dung thể hiện sự linh hoạt khi cho phép "các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An. HĐND tỉnh Nghệ An quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh".

Cũng từ thực tiễn của Nghệ An, đại biểu Hoàng Duy Chinh mong muốn Chính phủ sớm tổng kết các cơ chế, chính sách để tăng cường là phân cấp, phân quyền cho địa phương, gắn với trách nhiệm, trên cơ sở Trung ương xây dựng các tiêu chí để trên cơ sở đó các địa phương chủ động thực hiện; đồng thời cho phép nhận rộng chính sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ các địa phương khác, đặc biệt là hỗ trợ các địa phương các khu vực còn khó khăn gồm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận

Góp ý vào nội dung dự thảo Nghị quyết, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An đánh giá cao chính sách cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ huyện Nam Đàn và các huyện, thị miền Tây Nghệ An.

Nhấn mạnh đây là cơ chế rất tốt và trước đây ông đã phát biểu trên nghị trường đề nghị nghiên cứu để "tỉnh giàu giúp tỉnh nghèo, huyện giàu giúp huyện nghèo, xã giàu giúp xã nghèo"; song theo Thiếu tướng Trần Đức Thuận, chính sách này nên mở rộng cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác được sử dụng ngân sách cấp mình hỗ trợ tất cả các huyện, thành, thị của Nghệ An để tạo các điều kiện cho các địa phương Nghệ An có thể huy động các nguồn lực đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu.

Về hiệu lực của Nghị quyết, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng nêu quan điểm nên nghiên cứu thời gian thực hiện kéo dài, khi nào Nghệ An đạt được tỉnh khá như mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì mới hết hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện sẽ tiến hành đánh giá, nếu chính sách nào khả thi thì sẽ tiếp tục thực hiện, chính sách nào không khả thi nghiên cứu điều chỉnh, đặc biệt nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách mới để thực hiện được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra cho Nghệ An.

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 4.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận

Đối với chính sách xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị nên điều chỉnh cụ thể như sau: "Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp), từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An", để tường minh hơn, giúp quá trình thực hiện được thuận lợi.

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 5.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cung cấp thêm quan điểm điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc ban hành các cơ chế, chính sách cho các địa phương. Đó là đảm bảo tính đặc thù, vượt trội, khả thi nhưng không phá vỡ hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất; kèm theo quy định cụ thể để triển khai.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách trình Quốc hội bổ sung cho Nghệ An là phù hợp với đặc thù Nghệ An. Đồng thời trong số những chính sách trên, chủ yếu là những chính sách đã cho thí điểm tương tự các địa phương khác. Cho nên, theo Thượng tướng Trần Quang Phương, bây giờ có thêm Nghệ An thí điểm cũng là một cách để khi tổng kết, đánh giá có thêm cơ sở thực tiễn cao hơn.

"Trên cơ sở tính toán nhiều mặt, Chính phủ, tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất, rất mong các vị ĐBQH ủng hộ", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu về các chính sách bổ sung cho Nghệ An; đồng thời nhấn mạnh quan điểm cần mạnh dạn thí điểm để trên sơ sở đó những chính sách "đã chín, đã rõ" thì tổng kết, đánh giá, luật hóa để tạo đột phá thể chế cho cả nước.

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 6.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận

Cũng trong chương trình làm việc, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Quốc hội thảo luận tại tổ về 14 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An- Ảnh 7.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng Tổ 3 bày tỏ thống nhất cao với 3 nội dung thảo luận tại tổ.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đã trao đổi cung cấp thêm thông tin về quan điểm, quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Trong đó, tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa Nghị quyết 39, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết ngay từ bước đầu; và qua quá trình làm việc, trên cơ sở rà soát, cân nhắc tổng thể đã chốt lại 14 chính sách trình Quốc hội. Qua đó, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các ĐBQH đối với tỉnh.

Đỗ Việt (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn