Quốc hội thống nhất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5 - 7%
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, trong năm 2025, Quốc hội giao Chính phủ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt khoảng 7-7,5% và GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD.
Chiều 12/11, 424/426 đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành để thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị giao Chính phủ các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2025 bao gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%.
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 0,8-1%.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu nêu trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho".
Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa tháo gỡ thể chế, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quốc hội cũng giao Chính phủ tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch.
Chính phủ cần phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Song song đó, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phải được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến.
Quốc hội cũng lưu ý triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Mặt khác, Chính phủ cần đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tháo gỡ các vướng mắc về phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa, cũng như phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.
Tại phiên chất vấn chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực. Việc này nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.
Huyền My (t/h)Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.