Quốc hội thông qua gói 'giải cứu' cho Vietnam Airlines
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết trong đó có gói "giải cứu" 12.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.
Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các hãng hàng không của Việt Nam, trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do là hãng sở hữu phần lớn đường bay quốc tế từ Việt Nam. Thậm chí theo lãnh đạo Vietnam Airlines, năm 2021 hãng sẽ tiếp tục lỗ nặng với khoản lỗ 60 tỷ đồng mỗi ngày nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi do Covid-19.
Do đó, chiều 17/11, sau hơn 19 ngày làm việc, Quốc hội khoá XIV họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Một trong những nội dung của nghị quyết là gói hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 cũng đã được thông qua. Theo đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô 12.000 tỷ đồng, trong đó, chia làm 2 phần: 8.000 tỷ đồng tăng vốn và 4.000 tỷ đồng vay vốn.
Với khoản 4.000 tỷ đồng, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với 8.000 tỷ đồng, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Ngoài ra, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Nghị quyết yêu cầu, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, giao Vietnam Airlines tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Vietnam Airlines, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO cùng các công ty con trong lĩnh vực phụ trợ) quý 3 là 7.602 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Lỗ gộp trong quý III/2020 của Vietnam Airlines là 3.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tương đương 3.300 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng các chi phí khác, lỗ sau thuế của Vietnam Airlines là 3.997 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 1.506 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần của Vietnam Airlines là gần 32.410 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ năm 2019. Lỗ ròng sau 9 tháng của hãng là 10.676 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019, Vietnam Airlines lãi 2.513 tỷ đồng.
Đến hết tháng 9/2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm từ 76.455 tỷ đồng xuống còn 62.370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng giảm mạnh từ 18.608 tỷ đồng xuống còn 6.611 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến 30/9 gấp hơn 8 lần vốn chủ sở hữu, lên tới 55.759 tỷ đồng (trong đó là 31.454 tỷ đồng).
Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines trong 9 tháng âm 6.269 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương gần 7.874 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9, giá trị tiền và các khoản tương đương tiền của Vietnam Airlines là 2.618 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng giảm từ 3.579 tỷ đồng xuống 656 tỷ đồng, trong khi khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng lên 11.684 tỷ đồng, gần gấp đôi đầu năm.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.