Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với số phiếu tán thành rất cao.
95,06% đại biểu tán thành, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 28/5/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên họp, đã có 26 lượt ý kiến phát biểu và 7 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia bằng văn bản.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tóm tắt một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.
Trong đó, về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8); bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13).
Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội (Điều 14), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội (Điều 49 và Điều 50) để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Trước ý kiến đề nghị không quy định về áp dụng pháp luật mà nên thể hiện theo quy định chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, trong đó phân quyền mạnh mẽ cho một cấp chính quyền địa phương và có phạm vi áp dụng chủ yếu chỉ giới hạn trong địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý của Hà Nội.
Thực tế, do không có quy định về áp dụng pháp luật nên rất nhiều quy định đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2012 đã bị "vô hiệu" bởi các luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành sau đó. Do đó, việc Chính phủ đề xuất có điều quy định riêng về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong Luật Thủ đô lần này là cần thiết, nhằm khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thi hành như đã nêu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để tạo sự chủ động cho các cấp chính quyền của TP thì trong Dự thảo Luật không chỉ quy định về việc phân quyền mà cần có quy định về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho chính quyền thành phố và giữa các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố với nhau.
Tuy Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định về phân cấp, ủy quyền nhưng các quy định này chưa đầy đủ và có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hiện nay. Vì vậy, vẫn có một điều quy định về phân cấp, ủy quyền của các cơ quan thuộc thành phố, đồng thời xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cho bổ sung vào dự thảo Luật các nội dung quy định về phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành với các cơ quan của TP Hà Nội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đối với các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô (Chương III, Chương IV), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ (tại các điều 17, 18, 21 và 32).
Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị tại khoản 3 Điều 20 để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao UBND TP Hà Nội tổ chức bán nhà ở cũ tại điểm e khoản 10 Điều 20 (dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu Kỳ họp thứ 7); thể hiện lại điểm a khoản 9 Điều 20 theo hướng giao HĐND quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP.
Về phát triển giáo dục và đào tạo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao UBND TP quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao (điểm b khoản 5 Điều 22) để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Về chính sách đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của Chính phủ và ý kiến của UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 24).
Về quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các nội dung mà đại biểu Quốc hội đề nghị là các yêu cầu cần phải bảo đảm trong quá trình tổ chức lập quy hoạch đã được quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Việc xây dựng các đồ án Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô thời gian qua đã bám sát các yêu cầu này và Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các đồ án Quy hoạch này tại kỳ họp thứ bảy trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện đồng bộ với Luật Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc cho phép thành phố được thu tiền khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, thu phí cải thiện hạ tầng để bổ sung nguồn kinh phí tái đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng nói chung, bù đắp một phần chi phí duy trì, sửa chữa và vận hành các hạng mục để kết nối khu vực nhà ga và khu vực TOD là cần thiết và cũng là tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển.
Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương và 54 điều
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thử nghiệm có kiểm soát, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: (1) không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người (điểm b khoản 3 Điều 25); (2) đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, HĐND TP sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm (khoản 5 Điều 25); (3) quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền (điểm d khoản 4, điểm h khoản 7 Điều 25); (4) bổ sung, chỉnh lý quy định về điều chỉnh, gia hạn, chấm dứt thử nghiệm và làm rõ chế độ báo cáo của UBND Thành phố, của cơ quan hướng dẫn quá trình thử nghiệm (điểm b và điểm e khoản 6, điểm e và điểm g khoản 7 Điều 25); (5) bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm để hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức (khoản 10 Điều 25).
Quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn Thành phố thời gian qua (điểm c, điểm d khoản 2 Điều 33); bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (khoản 8 Điều 54)...
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 462 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,06%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành rất cao, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nhật MaiTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.