Quốc hội thông qua việc nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày
Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Sáng 24/6, với 470 trên tổng số 475 đại biểu có mặt đồng ý (95,14%), Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực từ 15/8/2023.
Trong đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Quốc hội cũng đồng ý nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Hiện nay, e-visa do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị một lần. Việt Nam đang cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật đã nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tục đơn giản, thuận tiện, người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian. Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt trước nên so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Về việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đây là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo luật do Chính phủ trình.
Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu phổ thông.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nơi sinh và nơi đăng ký khai sinh trong nhiều trường hợp không cùng một nơi và việc ghi thông tin về "nơi sinh" trên hộ chiếu là phù hợp với khuyến cáo và thông lệ quốc tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình.
Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến ý kiến khác đề nghị bổ sung "thông tin khác do Chính phủ quyết định" để đảm bảo linh hoạt trong áp dụng pháp luật.
Tiếp thu ý kiến kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung thêm "thông tin khác do Chính phủ quy định" vào luật để bảo đảm linh hoạt trong thực tiễn khi có tình huống phát sinh.
Về điều khoản thi hành, luật vừa thông qua cũng quy định, giấy tờ xuất, nhập cảnh đã cấp cho công dân trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ xuất, nhập cảnh.
Trường hợp công dân đề nghị cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh nhưng chưa được cấp khi luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 để giải quyết.
Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.