Quốc tế phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Sự kiện
04:15 PM 28/08/2020

Những ngày gần đây, quân đội Trung Quốc tiến hành dồn dập các đợt tập trận trên Biển Đông nhằm phản ứng trước những động thái của Mỹ. Nhiều tổ chức trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành động này.

Quốc tế phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 1.

Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận tại Biển Đông. Ảnh: AP

Trong tuần này, quân đội Trung Quốc đã tiến hành 6 cuộc tập trận đồng thời ở các khu vực duyên hải khác nhau.

Theo tờ South China Morning Post, ngày 23/8, cơ quan hàng hải tỉnh Quảng Đông thuộc Cục quản lý an toàn hàng hải Trung Quốc đã công bố lượt tập trận mới ở khu vực ngoài khơi vùng bờ biển phía Nam kéo dài từ ngày 24-29/8.

Trước đó, hôm 22/8, cơ quan hàng hải đảo Hải Nam thông báo Bắc Kinh sẽ tiến hành một cuộc tập trận tương tự ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc ở Biển Đông vào cùng thời gian này. Các lực lượng Trung Quốc cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận riêng rẽ ở miền Bắc, trong đó có một cuộc tập trận ở Hoàng Hải dự kiến kết thúc vào ngày 26/8 và một cuộc tập trận bảo vệ bờ biển ở ngoài khơi tỉnh Hà Bắc kéo dài đến cuối tháng 9. Ngoài ra, hai cuộc tập trận khác sẽ diễn ra ở vùng biển Bột Hải.

Quốc tế phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 2.

Tên lửa DF-21D của Trung Quốc được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay. Ảnh: China Defense Observation

Trước những hành động quân sự đầy "khiêu khích" của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, quốc tế đồng thanh lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại khu vực quan trọng này.

Mỹ: Kênh Channel News Asia đưa tin, ngày 27/8, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực khi phóng thử tên lửa đạn đạo trên Biển Đông khi tập trận ở khu vực nàỳ.

Chính quyền Washington đã xác nhận việc Bắc Kinh đã phóng tới bốn tên lửa đạn đạo khi tập trận trận xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Mỹ gọi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc từ ngày 24 đến ngày 29/8 ở gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) là "động thái mới nhất trong chuỗi các hành động nhằm khẳng định các yêu sách trên biển phi pháp của Trung Quốc" và là hành vi "gây hại cho các nước láng giềng ở Đông Nam Á". 

Theo chính quyền Washington, "những hành động của Trung Quốc, trong đó có các vụ thử tên lửa đã khiến tình hình ở Biển Đông ngày càng bất ổn".

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã vi phạm các cam kết mà nước này đã ký trong Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) về việc tránh các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực.

Bên cạnh đó, Mỹ còn cho biết nước này đã thúc giục Trung Quốc giảm hành vi "quân sự hóa và ép buộc" trong khu vực vào hồi tháng 7. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tăng cường leo thang các hoạt động tập trận bằng cách bắn tên lửa đạn đạo.

Nhật Bản: Tờ Taiwan News đưa tin, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết vào ngày hôm qua (27/8) Nhật Bản phản đối bất kỳ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc bắn tên lửa trong cuộc diễn tập,

Ông cho biết hòa bình và ổn định trong khu vực là một vấn đề quan trọng đối với Nhật Bản. Vì vậy chính phủ nước này phản đối bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng.

Theo người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, các nước trong khu vực nên tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ngoài ra, ông Suga còn cho biết Tokyo đang rất chú ý đến các diễn biến ở Biển Đông và quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Philippines: Tờ The Star của Malaysia đưa tin, Philippines đã tuyên bố rằng họ sẽ không ngừng các cuộc tuần tra trên không trên khu vực đang tranh chấp của Biển Đông, bất chấp việc Bắc Kinh kêu gọi họ ngừng "các hành động khiêu khích phi pháp" như vậy. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin cho biết Trung Quốc "được tự do nói" những gì họ muốn trong các cuộc tuần tra, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến hành động của Manila.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra vì đó là của chúng tôi", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức truyền hình cáp ANC.

Các nước khác: Theo Baoquocte đưa tin, hơn 80 tổ chức, hội đoàn tại châu Âu, Canada, Australia, Mỹ và Nhật Bản đã gửi thư đến 3 Ngoại trưởng của Anh, Nhật Bản và Ấn Độ, kêu gọi họ lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo nội dung bức thư đề ngày 24/8, các tổ chức đồng ký tên khẳng định: "Chúng tôi, những tổ chức ở khắp nơi trên thế giới ký tên dưới đây khẩn thiết kêu gọi quý vị, tiếp theo những tuyên bố của các chính phủ Mỹ và Australia, hãy bác bỏ những yêu sách tùy tiện của Trung Quốc tại Biển Đông".

Họ cũng khẳng định "yêu sách đường chín đoạn" của Trung Quốc rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Điều này đã được tái xác định bởi phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực vào năm 2016 rằng yêu sách "đường chín đoạn" và "quyền lịch sử của Trung Quốc không có giá trị".

Cuối thư, các tổ chức cho rằng các cường quốc cần phải cương quyết chống lại sự hung hăng và xâm lấn của Trung Quốc. Do đó, họ ghi rõ "Chúng tôi kêu gọi các chính phủ của quý vị phối hợp với Mỹ và Australia chính thức bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông để tái lập nền tảng cho một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và an toàn".

Thủy Phạm (T/h)
Ý kiến của bạn