Quý 2/2023, giá gạo xuất khẩu sẽ duy trì ở mức cao
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu gạo quý 2 sẽ tích cực hơn quý 1 và giá xuất khẩu sẽ duy trì ở mức cao do nhiều tín hiệu tích cực như một số nước có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn lương thực để dự trữ và ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý 2/2023 của Việt Nam sẽ tích cực hơn so với quý 1/2023. Về giá, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.
Chẳng hạn, ở thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch là 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì được hưởng ưu đãi với mức miễn thuế là 175 Euro/tấn.
Cùng với đó, các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.
Đặc biệt thông tin Indonesia quyết định nhập 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023 nhằm nâng dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như mức dự trữ trước đó, đã khiến thị trường xuất khẩu gạo càng trở nên sôi động.
Trên thị trường gạo châu Á, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam vào cuối tuần này lần lượt đạt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm cuối tuần trước. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan hiện được chào từ 480 – 482 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 475 – 482 USD/tấn ghi nhận vào cuối tuần trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý 1 cho thấy, xuất khẩu gạo đạt 1,7 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên cho thấy vụ lúa vừa được mùa vừa được giá và đây cũng là quý mặt hàng gạo có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 12 năm qua.
Hiện tại, lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, nếu sản lượng lúa ở khu vực này ước đạt 24 triệu tấn thì sản lượng tiêu thụ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM khoảng 10,8 triệu tấn. Với lúa dùng cho xuất khẩu, ước tính sẽ có ước khoảng 13,2 triệu tấn trong năm nay, tương đương với 6,6 triệu tấn gạo.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, mang về 3,45 tỷ USD. Với việc giá xuất khẩu gạo đang tăng mạnh, hiện ở mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua, VFA cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn nhưng trị giá thu về có thể lập kỷ lục 4 tỷ USD.
Nhằm tận dụng tốt các lợi thế về thị trường đang diễn ra, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Thương Huyền (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.