Quỹ bảo hiểm y tế dư gần 33.000 tỷ đồng, đề xuất sử dụng cho chi trả điều trị Covid-19

Đầu tư và Tiếp thị
05:05 PM 11/10/2021

Tại buổi thảo luận về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, số dư quỹ bảo hiểm y tế nên được sử dụng cho việc chi trả khám chữa bệnh Covid-19.

Sáng ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 theo Nghị quyết số 68/2013/QH13. 

Tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Do đó việc thực hiện chính sách pháp luật, quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm đặc biệt quan tâm, cần hoàn thiện hơn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, tính đến nay đã có 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, có 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần.

Cụ thể, đối với chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia Bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia Bảo hiểm y tế, bà Thúy Anh cho hay, chỉ tiêu này hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định.

Tuy nhiên, đối tượng tham gia chủ yếu là nhóm người lao động được Ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc được quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì mới đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.

Quỹ bảo hiểm y tế dư gần 33.000 tỷ đồng, đề xuất sử dụng cho chi trả điều trị Covid-19 - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: Quốc hội

Về thu, chi và cân đối quỹ bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội báo cáo, tổng thu bảo hiểm y tế năm 2020 là 110.395 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, tổng chi cho công tác khám chữa bảo hiểm y tế lại cao hơn số được phép chi theo quy định hơn 2.000 tỷ đồng, cụ thể mức chi thực tế là 99.730 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, chi phí quản lý quỹ năm 2020 dự kiến khoảng 4.101 tỷ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu bảo hiểm y tế, giảm so với năm 2019. Số dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kế dự kiến là 32.991 tỷ đồng, tăng 111,6% so với năm 2020.

Về số dư quỹ bảo hiểm y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần sử dụng số dư này để chi trả khám chữa bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng cần tính toán việc sử dụng quỹ để hỗ trợ ngân sách, phải bảo đảm an toàn quỹ cũng như hỗ trợ cho ngân sách để chữa bệnh nền và người bệnh Covid-19.

Ông lý giải, sau khi trao đổi, lấy ý kiến các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... thì đại diện các bệnh viện đều kiến nghị phải tháo gỡ khó khăn liên quan đến thanh toán khám chữa bệnh với trường hợp bệnh nền bị lây nhiễm.

Kết luận tại buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đơn vị tiếp tục phân tích làm rõ tính bền vững của Quỹ bảo hiểm y tế. Trong đó làm rõ mối quan hệ giữa bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả và bảo hiểm y tế do người dân tự mua.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trọng tâm là cần quan tâm chi y tế dự phòng và y tế cơ sở, nghiên cứu tham mưu Chính phủ nâng mệnh giá bảo hiểm y tế lên mức phù hợp, coi đây là gói kích thích kinh tế cho đầu tư. Sớm rà soát lại chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, tách các khoản cho phù hợp…

Đồng thời, cần nghiên cứu thêm gói dịch vụ bảo hiểm y tế cơ bản, mô hình bác sĩ gia đình, phạm vi khám chữa bệnh dùng bảo hiểm y tế chi trả tại bệnh viên tư, dùng vốn ODA đầu tư trạm y tế cấp xã…

Quỳnh Anh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.