Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên: Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Địa phương
01:23 PM 23/06/2021

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tạo sự ổn định trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ khi triển khai thực hiện chính sách này, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Là một tỉnh miền núi biên giới, Điện Biên có trên 694 nghìn ha đất lâm nghiệp (chiếm 72,8% tổng diện tích tự nhiên), do vậy rừng của Điện Biên có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các công trình thủy điện mà rừng còn gắn với đời sống mưu sinh, là nguồn thu nhập ổn định của mỗi gia đình.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền của chủ rừng bản Mo 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền của chủ rừng bản Mo 2, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay.

Nhìn lại những năm về trước, công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn do ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân còn hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng bà con vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi đun, phá rừng để làm nương rẫy. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của các cơ quan ban ngành đặc biệt là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, nhận thức của đồng bào thay đổi rõ rệt. 

Việc triển khai nhanh chóng Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nay thay thế bởi Nghị định số 156/2018/ NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, đã khơi dậy ý thức bảo vệ rừng trong các cộng đồng ở tỉnh Điện Biên, giúp người dân xóa đói nghèo để vươn tới cuộc sống ấm no ngay chính mảnh đất quê hương.

Trong năm 2020, diện tích đất có rừng của tỉnh Điện Biên đạt 407.033,3 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,66%, trong đó diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2020 là 391.047,828 ha, với số tiền chi trả DVMTR trên 164 tỷ đồng. Tổng số chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR toàn tỉnh là 4.618 chủ rừng. Bao gồm, 8 chủ rừng là tổ chức, 47 chủ rừng là UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 1.116 chủ rừng là cộng đồng, 3.447 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.

Cán bộ Quỹ bảo vệ và PTR tỉnh Điện Biên tuyên truyền, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn xã Mường Lạn, Mường Ảng

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển tỉnh Điện Biên tuyên truyền, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn xã Mường Lạn, Mường Ảng.

Ngay từ khi bắt đầu, để góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR đến nhiều đối tượng khác nhau, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tổ chức tuyền truyền miệng đến các cộng đồng thôn, bản; ký kết hợp đồng tuyên truyền với Đài Phát thanh - Truyền hình, các báo địa phương và Trung ương; tổ chức cắm biển báo khu vực chi trả DVMTR tại các khu rừng có cung ứng DVMTR; cấp phát các sản phẩm truyền thông như: Áo khoác, balo và vở viết học sinh cho các em học sinh THCS…. Nhờ đó đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Có thể khẳng định, sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ nét; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, PCCCR… Số vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là công tác PCCCR hàng năm giảm đáng kể về số vụ và diện tích thiệt hại.

Nhà văn hóa bản Mường Pồn 2, huyện Điện Biên

Nhà văn hóa bản Mường Pồn 2, huyện Điện Biên.

Đặc biệt, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. Trung bình mỗi hộ gia đình được nhận tiền chi trả DVMTR hơn 2 triệu đồng/năm, hộ được nhận cao nhất trên địa bàn tỉnh là hơn 120 triệu đồng/năm. 

Với nguồn kinh phí từ chi trả DVMTR, không ít cộng đồng thôn bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, các công trình phúc lợi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình, xây dựng được quỹ chung, sử dụng vào hoạt động hỗ trợ Tổ tuần tra bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ dân sinh như: xây dựng nhà văn hóa, đường bê tông vào khu sản xuất… và duy trì phong trào chung của bản, điển hình như: bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, huyện Điện Biên và bản Pu Nhi A, B, Háng Trợ A,B, huyện Điện Biên Đông.

Trong thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục đi vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời Quỹ cũng phát huy tối đa vai trò là kênh huy động các nguồn lực xã hội và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giúp cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh giữ mãi màu xanh.

Trung Kiên
Ý kiến của bạn