Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Thái Nguyên được biết đến là một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, nơi còn lưu giữ hệ sinh thái đa dạng, như Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, Quần thể rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, rừng phòng hộ ATK Định Hóa…
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành chức năng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt vai trò tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thái Nguyên về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trồng rừng thay thế góp phần quản lý bảo vệ, phát triển bền vững vốn rừng hiện có.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên được thành lập ngày 07/06/2013 theo Quyết định số 1067QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên, là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, với nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hỗ trợ đầu tư cho chương trình bảo vệ và phát triển rừng. Hoạt động chủ yếu là thu, chi tiền DVMTR; tham mưu giao nhiệm vụ và giám sát công tác trồng rừng thay thế.
Qua gần 07 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tất cả vì mục tiêu nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân được chi trả DVMTR, góp phần xóa đói giảm nghèo, hiện thực hóa nghề rừng trở thành nghề kinh tếổn định đối với nhân dân tại khu vực có đất rừng.
Thái Nguyên có tổng diện tích đất có rừng là 186.485,24ha, trong đó đất rừng phòng hộ và đặc dụng là 74.478 ha. Trong năm 2019, thực hiện nhiệm vụ được giao, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR đến chính quyền địa phương các xã, các chủ rừng và các đối tượng sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh được 15 lớp với 1.200 lượt người tham gia, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết kê khai thực hiện chính sách chi trả. Quỹ đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm các huyện xác định diện tích chi trả tiền DVMTR năm 2019 cho 04 đơn vị chủ rừng là tổ chức Nhà nước, 02 UBND xã và 18 cộng đồng với tổng diện tích được chi trả tiền DVMTR là 4.705,42 ha, tương ứng với tổng số tiền DVMTR là 1.879.259.000 đồng.
Năm 2020, Quỹ dự kiến tuyên truyền 12 lớp với 960 lượt người tham gia. Đối tượng tham gia chủ yếu là chính quyền địa phương, đối tượng sử dụng DVMTR và người dân các xã có rừng nằm trong lưu vực sông Công và lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện trong 06 tháng cuối năm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ trong năm 2020, dự kiến Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên sẽ thu được 2,0 - 2,2 tỷ đồng phí DVMTR từ hai nguồn thu chính là thủy điện và nước sạch. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay Quỹ còn gặp khó khăn trong việc triển khai thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
6 tháng cuối năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện Dự án “Xác định lưu vực cung ứng DVMTR và lập bản đồ chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, tham mưu triển khai việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Quỹ lập Kế hoạch thu, chi trình Hội đồng quản lý Quỹ tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt nhằm thực hiện việc chi trả tiền DVMTR cho chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình nằm trong lưu vực cung ứng DVMTR giúp đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế cho người làm nghề rừng.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.