Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 5.600 tỷ đồng
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tính đến hết quý 1/2023, số dư quỹ bình ổn giá còn hơn 5.640 tỷ đồng.
Cụ thể: Số dư quỹ bình ổn giá đến hết ngày 31/12/2022 còn 4.617,33 tỷ đồng; tổng số trích quỹ bình ổn giá trong quý 1/2023 là 1.681,75 tỷ đồng; tổng số sử dụng quỹ bình ổn giá trong quý 1/2023 là 658,99 tỷ đồng.
Lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá dương trong 3 tháng đầu năm 2023 là 2,42 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá âm trong quý 1/2023 là 2,17 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết 31/3, số dư trên quỹ bình ổn giá xăng dầu là khoảng hơn 5.640 tỷ đồng, tăng khoảng 1.040 tỷ đồng so với quý liền trước đó. Đây cũng là mức cao nhất của quỹ từ đầu năm 2021 đến nay.
Theo báo cáo chi tiết việc trích chi, sử dụng quỹ của 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu trong quý 1/2023 của Bộ Tài chính, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng quỹ. Tiếp đến là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà với hơn 561 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức với hơn 409 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp với gần 371 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM với hơn 294 tỷ đồng…
Báo cáo này cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 513 tỷ đồng. Xếp sau là Công ty TNHH Petro Bình Minh, Công ty Cổ phần xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Long Hưng… với số tiền âm đến hàng chục tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu là nhằm tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 (sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết ngày 31/12/2022 là 4.617,33 tỷ đồng.
Cũng tại ngày 22/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng RON 95-III tăng lên mức 21.490 đồng (tăng 490 đồng), xăng E5 RON 92 là 20.480 đồng (tăng 350 đồng) một lít. Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ bình ổn 300 đồng với tất cả các loại xăng dầu.
Trong thời gian tới, đối với mặt bằng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Huyền My (t/h)Khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam ước đạt 519,7 tỷ USD.