Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên: Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Bằng sự chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện quản lý chuyên môn, thời gian qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Điện Biên đã triển khai quy trình chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) một cách nhanh chóng, chính xác..., góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân tham gia bảo vệ rừng.
Điện Biên vốn là một địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhưng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới thường có tâm lý sợ mất đất canh tác nương rẫy khi tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Trong quá trình chính quyền địa phương đo đạc làm quy hoạch rừng, một số người có thái độ không hợp tác, tình trạng phá rừng làm nương trái phép diễn ra thường xuyên.
Tuy nhiên, xác định khó vẫn làm và phải làm bằng được, Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, tham mưu giúp Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thu, chi và dự toán chi, triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương. Việc triển khai thực hiện chính sách đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm.
Ngay từ đầu năm với sự linh hoạt chủ động trong công tác chuyên môn, quỹ đã tích cực phối hợp với ngành Kiểm lâm, UBND các xã kiểm tra, giám sát các diện tích cung ứng DVMTR để kịp thời cập nhật biến động, đôn đốc việc nộp tiền của bên sử dụng DVMTR nên việc thu nộp luôn đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, từ ngày 01/01 đến ngày 15/6/2022, tổng nguồn thu DVMTR mà Quỹ BV&PTR tỉnh Điện Biên thu được đạt 292.522.984.291 đồng, trong đó: Năm 2021 chuyển sang là 249.773.234.787 đồng, năm 2022 là 42.749.749.504 đồng. Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Quỹ còn tích cực phối hợp với các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác chi trả tiền DVMTR cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình với tổng chi 175.074.156.590 đồng, trong đó, chi quản lý là 3.184.643.160 đồng, chi trả cho chủ rừng 171.889.513.430 đồng.
Trong quá trình triển khai, để góp phần tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR đến nhiều đối tượng khác nhau, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng luôn chú trọng đến đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện hình thức chi trả tiền qua tài khoản thay hình thức thanh toán tiền mặt vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm các thủ tục hành chính, thời gian, chi phí đi lại và rủi ro trong chi trả tiền DVMTR cho cả bên chi trả và bên nhận tiền.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên hào hứng cho biết: "Những thành quả mà đơn vị đạt được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh; sự quản lý, chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản lý Quỹ đối với việc thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ theo quy định. Bên cạnh đó còn là sự nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của tập thể viên chức, người lao động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng".
Không thể phủ nhận, việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những hiệu quả tích cực, từ đó huy động được sức mạnh cộng đồng trong các thôn, bản, nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cùng với việc từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân, giúp họ thêm gắn bó với rừng.
Hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí DVMTR của các cộng đồng. Thực tế cho thấy, số tiền DVMTR các cộng đồng được hưởng chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân. Đầu tiên, nguồn kinh phí này sẽ dùng để trả công cho các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng.
Một số địa phương như các huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé và nhiều cộng đồng dân cư sống trên địa bàn đã sử dụng một phần kinh phí nhất định trong số tiền DVMTR được hưởng phục vụ cho việc mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất chung. Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, cộng đồng thôn, bản đã sử dụng một cách hợp lý nhằm xây dựng nhiều mô hình phát triển sinh kế, xây dựng các công trình phúc lợi và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các gia đình.
Khi rừng phát triển đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cộng đồng từ đó từng bước góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Cũng theo bà Hiền, thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn ngày càng hiệu quả, Quỹ BVPTR tỉnh sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR bằng các hình thức khác nhau gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng; kết hợp tập huấn về quản lý, sử dụng hiệu quả tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng, khuyến khích họ tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Cùng với đó, thực hiện kiểm tra, giám sát bên cung ứng, sử dụng DVMTR đảm bảo việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đúng quy định, đạt hiệu quả.
Nhìn lại một chặng đường với những kết quả đã đạt được, hi vọng chính sách chi trả DVMTR sẽ ngày càng hoàn thiện để phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của ngành lâm nghiệp toàn tỉnh. Từ đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Điện Biên và có thể cách làm hiệu quả từ việc chi trả DVMTR tại Điện Biên sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu nhằm thúc đẩy phát triển rừng bền vững.
Trung KiênCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.