Quy chế quản lý kiến trúc đô thị An Nhơn chỉnh trang mỹ quan đô thị
Ðô thị An Nhơn sẽ được quản lý đồng bộ bởi Quy chế quản lý kiến trúc đô thị An Nhơn, được UBND tỉnh Bình Định thông qua, có hiệu lực từ ngày 20/8/2023.
UBND TX An Nhơn đã công bố Quy chế quản lý kiến trúc đô thị An Nhơn, làm cơ sở cho đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tổ chức thực hiện.
Bên cạnh thừa kế, điều chỉnh từ Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị An Nhơn năm 2020, quy chế mới bổ sung các quy định công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc; yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc; khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù và quản lý công trình thuộc danh mục kiến trúc có giá trị.
Quy chế cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế thị xã. Bên cạnh nguyên tắc chung áp dụng cho các công trình kiến trúc và nhà ở riêng lẻ phải được quản lý đồng bộ, quy chế còn có nguyên tắc riêng áp dụng cho những khu vực có yêu cầu quản lý kiến trúc đặc thù.
Đáng chú ý, các công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc được xác định rõ, gồm: Công trình được quy định tại khoản 2, Điều 17, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14; công trình công cộng có quy mô cấp đặc biệt, cấp 1; ga đường sắt đô thị và cầu trong đô thị từ cấp 2 trở lên; công trình tượng đài, công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương; công trình quan trọng, điểm nhấn trong đô thị và trên các tuyến đường chính được xác định trong đồ án quy hoạch được phê duyệt. Ngoài ra, công trình tạo điểm nhấn và hình thành diện mạo đô thị; công trình có vị trí nằm ở góc giao các trục đường chính đô thị; công trình chiều cao 9 tầng trở lên thuộc diện ưu tiên tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.
Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan chung có 3 khu vực để kiểm soát phát triển. Trong đó, khu vực phát triển tập trung (khu vực nội thị hiện nay) với định hướng cải tạo, bảo tồn, chỉnh trang mỹ quan đô thị, tăng cường các tiện ích công cộng đồng thời kết hợp hoạt động du lịch để nâng cao giá trị và bản sắc lịch sử văn hóa, chất lượng sống cho người dân. Nâng cấp hệ thống công trình công cộng, trung tâm thương mại.
Vùng phát triển đô thị mới sẽ tập trung ở Nhơn An, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Hậu, Nhơn Thọ, Nhơn Phong. Ngoài ra, phường Nhơn Hòa dự kiến là khu vực có điều kiện xây dựng các khu đô thị mới phục vụ cho KCN Nhơn Hòa. Đây là các khu vực phát triển mới của An Nhơn về thương mại dịch vụ, tài chính, kinh tế… cần có cho đô thị năng động, phát triển tập trung. Do đó, tổ chức không gian ưu tiên xây dựng theo tiêu chí khu đô thị kiểu mẫu; hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện đại, đồng bộ và hoàn chỉnh.
Về quy định khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, đối với khu vực có địa hình đặc thù như khu vực đồi núi, ven sông hồ, xung quanh các di tích lịch sử - danh thắng, khu vực cây xanh cảnh quan ven sông, hồ, việc xây dựng các công trình hạn chế tối đa việc làm biến dạng địa mạo, địa hình tự nhiên.
Đối với các dự án đầu tư tại khu vực đồi núi tập trung khu vực phía Nam đô thị An Nhơn phải tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chủ yếu như: Mật độ xây dựng gộp tối đa 5% tỷ lệ đất của tất cả các công trình trên tổng diện tích dự án (công trình không được hợp khối quá lớn); chiều cao được xem xét riêng từng dự án cụ thể; các công trình còn lại chiều cao tối đa 2 tầng (từ 7 m trở xuống)…
Nguyễn TuấnTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.