Quy định lại phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp
Trong thời gian qua, cơ chế, chính sách cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn được chú trọng từ việc đưa ra định hướng đến tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong từng thời kỳ triển khai.
Nghị định 140/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trong đó, bổ sung quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Nghị định này có một số đổi mới cơ bản như bổ sung đối tượng áp dụng Nghị định là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ; xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 để tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước.
Đồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao; tăng cường xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá; tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực, trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn...
Những điểm đổi mới của Nghị định này đã góp phần khắc phục những hạn chế, tồn tại của cơ chế cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây, giúp cho việc xác định giá trị doanh nghiệp phản ánh đầy đủ và đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước/doanh nghiệp nhà nước. Kết quả từ năm 2018 đến nay đã có 29 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành công tác cổ phần hóa. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thời gian qua cho thấy chính sách về cổ phần hóa vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã xác định khó khăn lớn nhất trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp là về đất đai. Xác định được những tồn tại này, Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126. Trong đó, đề xuất bãi bỏ nội dung quy định về xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có) vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành có quy định toàn bộ các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (trong đó gồm cả doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa và doanh nghiệp không thuộc diện cổ phần hóa) đều phải xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Cụ thể là tập hợp các đề xuất về hình thức sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của địa phương đã được phê duyệt và công bố của các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Theo đó, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa bao gồm toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả phần diện tích đất không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và diện tích đất không thuộc phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ - nếu có).
Doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ báo cáo Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có văn bản gửi lấy ý kiến của các địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) chịu trách nhiệm có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa và giá đất cụ thể đối với diện tích đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp. Việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức.
Riêng doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp; việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức và người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa được giao, nhận chuyển nhượng, thuê đất theo quy định của pháp luật phát sinh từ sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký kinh doanh lần đầu chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời hoàn tất các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan.
Huyền MyKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.