Quy định mới khi xây dựng thang lương, bảng lương cho NLĐ từ năm 2021
Bắt đầu từ 01/01/2021 tới đây, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp sẽ có một số thay đổi so với hiện tại.
Một là, doanh nghiệp khi xây dựng thang lương, bảng lương sẽ không còn xây dựng trên nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định.
Hiện nay, pháp luật quy định khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải ít nhất 5%. Nguyên tắc này đã ảnh hưởng chính sách lương, thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp đều xây dựng thang lương, bảng lương theo thâm niên, lao động có thâm niên càng lâu thì lương càng cao. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không muốn sử dụng người lao động có nhiều thâm niên vì trả lương quá cao nên tìm cách sa thải để tuyển dụng lao động mới.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP đã nêu rõ: "Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi.
Trong đó, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%. Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi".
Có thể thấy, với sự thay đổi này, doanh nghiệp có thể tăng quyền tự chủ trong việc xây dựng thang lương, bảng lương. Số bậc của bảng lương, thang lương sẽ do doanh nghiệp tự quyết định và khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương sẽ căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Đồng thời, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm của bản thân.
Hai là, doanh nghiệp sẽ không gửi thang lương, bảng lương cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Do đó, Bộ luật Lao động 2019 cũng bãi bỏ quy định về việc gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan nhà nước về lao động cấp huyện (cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sản xuất, kinh doanh.
Ba là, định mức lao động phải được áp dụng thử trước khi ban hành. Điều này có nghĩa là khi xây dựng định mức lao động, doanh nghiệp phải áp dụng thử trước khi ban hành chính thức, đồng thời phải phù hợp với số đông người lao động.
Theo nội dung này, mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.