Quy hoạch băng tần cho hệ thống di động IMT… chưa phù hợp
Đây là nhấn mạnh của VCCI khi góp ý Dự thảo Thông tư về quy hoạch băng tần cho hệ thống di động IMT.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, dịch vụ 5G sẽ được triển khai hiệu quả nhất nếu một doanh nghiệp có dải băng tần liên tục khoảng 100 MHz, tương ứng với 10 khối.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Điều 2.1 và 2.2 của Dự thảo đưa ra hai phương án quy hoạch băng tần 2,3 GHz và 2,6 GHz. Trong đó, Phương án 1 chia dải bằng tần thành những khối có độ rộng lớn như 30 MHz, 90 MHz và 100 MHz. Phương án 2 chia dải băng tần thành những khối có độ rộng nhỏ đều nhau (10 MHz) và cho phép các doanh nghiệp ghép khối liền nhau sau khi đấu giá và cấp phép.
VCCI đồng tình với Phương án 2 của dự thảo vì phương án này giúp tối đa hoá sự cạnh tranh trong quá trình đấu giá, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp chủ động linh hoạt hơn khi thiết kế phương án kinh doanh.
Trong Phương án 2, Điều 2.3 của Dự thảo quy định số khối tối đa một doanh nghiệp được mua khi đấu giá là 10 khối ở băng tần 2,6 GHz, 4 khối ở băng tần 2,3 GHz và tổng ở cả hai băng tần không quá 12 khối.
Trong thuyết minh của Dự thảo, Cơ quan soạn thảo cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch này là nhằm mở rộng thêm băng tần cho các doanh nghiệp để tiếp tục triển khai mở rộng dịch vụ 4G và tiến tới dịch vụ 5G trong các năm tiếp theo cho thuê bao di động mặt đất.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, dịch vụ 5G sẽ được triển khai hiệu quả nhất nếu một doanh nghiệp có dải băng tần liên tục khoảng 100 MHz, tương ứng với 10 khối.
Do đó, VCCI nhấn mạnh quy định tại Điều 2.3 giới hạn một doanh nghiệp chỉ được mua tối đa 10 khối trong băng tần 2,6 GHz là hợp lý. Tuy nhiên, tại băng tần 2,3 GHz, Dự thảo hiện nay giới hạn cho phép một doanh nghiệp chỉ được mua tối đa 4 khối, tương ứng với 40 MHz. VCCI nhận định đây là mức rất nhỏ chỉ phù hợp để triển khai dịch vụ 4G, mà không phù hợp với dịch vụ 5G.
Trong tương lai, khi mà đa số người dùng và các thiết bị sử dụng công nghệ 5G thì việc thu hồi hoặc quy hoạch lại băng tần 2,3 GHz sẽ gặp nhiều khó khăn, tương tự như những gì đang diễn ra với dịch vụ 2G hiện nay.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép một doanh nghiệp mua tối đa cả 9 khối tại băng tần 2,3 GHz.
Tuy nhiên, để bảo đảm cạnh tranh trên thị trường thì cần giới hạn tổng số khối mà một doanh nghiệp được mua tại cả hai băng tần tối đa là 9 khối (trừ trường hợp mua được 10 khối tại băng tần 2,6 GHz). Với mức này, các doanh nghiệp vẫn phải cạnh tranh trong cuộc đấu giá để có thể đạt được tổng số khối; dải khối liên tục đủ lớn để triển khai công nghệ và số khối ở băng tần 2,6 GHz.
Do đó, vẫn đảm bảo được tính cạnh tranh khi đấu giá và khả năng mang lại nguồn thu cho Nhà nước. Đồng thời, mức 9 hoặc 10 khối sẽ cho phép mỗi nhà mạng đều được cấp dải tần đủ lớn, từ đó đảm bảo được sự tham gia hiệu quả của nhiều nhà mạng hơn vào việc phát triển mạng LTE và các thế hệ tiếp theo.
Như vậy, Điều 2.3 của Dự thảo sẽ được sửa lại như sau: Trong băng tần 2300-2400 MHz, mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 09 khối trong tổng số 09 khối A1-A9. Trong băng tần 2500-2690 MHz, mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 10 khối trong tổng số 19 khối B1-B19. Trong cả hai băng tần 2300-2400 MHz và 2500-2690 MHz, mỗi doanh nghiệp được xem xét cấp phép không quá 09 khối trong tổng số 28 khối A1-A9 và B1-B19 (trừ trường hợp một doanh nghiệp được cấp phép 10 khối tại băng tần 2500-2690 MHz).
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.