Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng công suất nguồn điện

Chính sách
11:42 AM 13/02/2025

Để đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển, Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng công suất nguồn điện, trong đó có thể điều chỉnh tăng nhu cầu điện tới 75%.

Tại buổi họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ngày 12/2/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo.

Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5 - 3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5 - 7 lần vào năm 2050. Tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế và đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng công suất nguồn điện- Ảnh 1.

Sớm hoàn thiện thẩm định Quy hoạch điện VIII. Ảnh minh họa: Internet

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để quyết liệt triển khai việc xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Đến nay, dự thảo này đã cơ bản hoàn thiện và đã được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành và địa phương liên quan.

Theo quy định, dự thảo sẽ được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định quốc gia trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng rằng việc hoàn thiện và thực hiện Quy hoạch điện VIII sửa đổi sẽ tạo nên bước đột phá quan trọng, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Góp ý cho dự thảo sửa đổi Quy hoạch Điện VIII, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhận định rằng việc điều chỉnh dự báo nhu cầu điện là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Tuấn, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã đưa ra hai kịch bản: Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao là sát với các kịch bản phát triển kinh tế.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến sau: Về dự báo tăng trưởng công suất nguồn điện, kịch bản cơ sở cần điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ: "Chúng ta đặt ra mục tiêu năm 2025 đạt tăng trưởng GDP 8%, và từ năm 2026-2030 mỗi năm tăng 10%. Như vậy, kịch bản cơ sở phải là 45-50%, kịch bản cao là 60-65%, và kịch bản cực đoan là 70-75% so với hiện nay".

Đồng thời, Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các phản biện từ tư duy phát triển về điện cũng như tư duy phát triển kinh tế. “Càng những nơi kém lợi thế khi ứng dụng công nghệ vào thì đấy lại là nơi có lợi thế để phát triển. Có thể kể đến như hình thành các trung tâm dữ liệu ở khu vực miền Trung hay hình thành những tổ hợp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sạch ở khu vực miền Trung thì miền Trung sẽ phát triển. Khi miền Trung kinh tế phát triển, đồng thời chúng ta cũng sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên của miền Trung để phát triển năng lượng tái tạo”, Bộ trưởng nói.

Về nguồn, Bộ trưởng cho biết, thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.

Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.

Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam có 6 thị trường có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD Việt Nam có 6 thị trường có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD

Tháng 1/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang 6 thị trường/khu vực thị trường đạt trên 1 tỷ USD. Tính chung, tổng trị giá xuất khẩu sang 6 thị trường/khu vực thị trường này đạt 26,01 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.