Quy hoạch thành phố Thanh Hóa trở thành trung tâm đô thị lớn về mọi mặt

Địa phương
01:39 PM 20/03/2023

Ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Theo đó, năm 2030, đất xây dựng đô thị dự kiến tăng từ 7.630 ha như hiện nay lên 11.800 ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên; đến năm 2040 tăng lên hơn 14.000 ha.

Theo nội dung đã được phê duyệt, phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích khoảng 22.821ha.

Theo quy hoạch, đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 7.634 ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 14.019 ha, chiếm khoảng 61% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị.

Để thành phố Thanh Hóa trở thành trung tâm đô thị lớn về mọi mặt - Ảnh 1.

Một góc thành phố Thanh Hóa hôm nay

Tổng diện tích tự nhiên khoảng 22.821 ha. Dự kiến sử dụng đất của đô thị tăng khoảng 6.386ha (bình quân 114m2/người), đến năm 2040 đạt khoảng 14.019 ha, chiếm 61% diện tích đất tự nhiên.

Trong đó, phát triển không gian đô thị tập trung, lan tỏa kết nối với ý tưởng chủ đạo là: tựa núi (Ngàn Nưa) - bên sông (Sông Mã) - hướng biển (Vịnh Bắc Bộ), lấy dãy Ngàn Nưa làm chỗ dựa, phát triển đô thị hai bên bờ Sông Mã, kết nối mạnh về hướng Đông, hướng ra biển.

Cái mới trong quy hoạch và phát triển đô thị Thanh Hóa lần này, theo mô hình "tập trung, đa tâm" điều chỉnh mô hình "vành đai - xuyên tâm" thành mô hình "Vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm". Lấy trục Đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy Sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan Sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị.

Đồng thời lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị "3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên".

Cụ thể như, các trục phát triển chính gồm 03 trục như sau: Trục truyền thống: Theo hướng Bắc - Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng; khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam; theo hướng Tây Bắc - Đông Nam: theo các trục đường QL45, QL47, Đại lộ Đông - Tây, Đại lộ Nam Sông Mã, kết nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ nút giao thông đường bộ cao tốc, qua Trung tâm hiện hữu của thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn. 

Trục phát triển mới theo hướng Tây Nam - Đông Bắc: từ đường Trung tâm thành phố đi Cảng hàng không Thọ Xuân đi qua Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới.

Đến năm 2040, thành phố dự kiến có 06 trung tâm tích hợp gồm: Trung tâm hiện hữu, Hàm Rồng - Núi Đọ, Đông Nam, Đông Bắc, phía Tây và Tây Nam. Mỗi trung tâm sẽ có chức năng, mục tiêu phát triển riêng.

Quy hoạch mới nhằm phát triển TP. Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là một trong những trung tâm lớn về thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa khoa giáo, y tế, thể thao của vùng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ./.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu

Đan Mạch được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất đối với giới đầu tư toàn cầu. Trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số cơ hội toàn cầu.