Quy hoạch Thủ đô: Hạ tầng giao thông phải là ưu tiên hàng đầu
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong các đột phá cho Hà Nội thời gian tới thì hạ tầng giao thông phải là ưu tiên hàng đầu, các đột phá khác về thể chế, cơ cấu kinh tế và nguồn nhân lực… sẽ bổ sung cho hạ tầng giao thông.
Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào sáng 9/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ách tắc giao thông gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, một đô thị muốn phát triển mạnh, cần xây dựng được hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu người dân.
"Trong các đột phá cho Hà Nội thời gian tới, hạ tầng giao thông phải là ưu tiên số một, các đột phá khác như thể chế, cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực sẽ theo sau để bổ sung, từ đó quy hoạch Hà Nội rõ nét hơn, đảm bảo được các yêu cầu phát triển của một đô thị thông minh và hiện đại", Bộ trưởng nói.
Bởi theo ông, nếu dàn hàng ngang, không chọn lựa ưu tiên hàng đầu sẽ không đủ nguồn lực để phát triển. Cần xây dựng chương trình về hạ tầng giao thông đồng bộ Hà Nội trong 10-15 năm tới.
Theo Bộ trưởng Dũng, hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ tạo động lực mới cho Hà Nội phát triển vũ bão, thậm chí tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, chứ không chỉ như mục tiêu 8,5 - 9% hiện nay.
Đồng tình với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, TS. Lã Ngọc Khuê đề cập đến việc cấp thiết đảm bảo được vấn đề giao thông công cộng. Ông nói mục tiêu xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị đến 2030 là rất khó thực hiện, phải có những giải pháp đột phá.
“Nếu hạ tầng giao thông Hà Nội ngày mai vẫn như bây giờ thì rất khó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Ngay cả trong quy hoạch, Hà Nội đã đề xuất xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thì cũng phải có chương trình đột phá chiến lược nhằm thiết lập và vận hành hệ thống giao thông đô thị bởi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thì cũng chỉ còn vài năm nữa trong khi thời gian chuẩn bị một dự án cũng đã hơn 5 năm”, TS Khuê nêu quan điểm.
Theo ông Khuê, Hà Nội cần nâng được chỉ số sử dụng giao thông công cộng của người dân sau chương trình này từ 28% lên 50%. Khi nghiên cứu mô hình giao thông của Singapore, ông nhận thấy chỉ khi giao thông công cộng đáp ứng được một nửa nhu cầu đi lại của người dân, giao thông đô thị mới trở lại trật tự.
Ông cho rằng Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm tới làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể. Ông cũng khuyến nghị Thủ đô cần tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị số 3 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đầu tư kéo dài tuyến này về Lĩnh Nam. Bên cạnh đó, Hà Nội cần thiết kế đồng bộ đường sắt đô thị với các phương tiện giao thông khác để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe bus, taxi.
Minh An (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".