Quy hoạch Thủ đô tạo "đường băng" đưa kinh tế số Hà Nội dẫn đầu cả nước
Với nhiều giải pháp và phương hướng trong Quy hoạch Thủ đô, chắc chắn đó sẽ là "đường băng" đưa kinh tế số Hà Nội sẽ "cất cánh", phát triển mạnh mẽ hơn và dẫn đầu cả nước.
Trong chương trình hành động của Chính quyền và người dân Thủ đô, mục tiêu đặt ra là: “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với định hướng phấn đấu đưa Hà Nội phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Chuyển đổi số được xác định là động lực giúp Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Trên nền tảng hiện có, đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”.
Trong những năm qua, Hà Nội cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tăng cường đầu tư cho xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ theo hướng ưu tiên trọng điểm quốc gia. Triển khai những cơ chế, chính sách phù hợp, thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động khoa học công nghệ, tạo đà cho việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố về phát triển, xây dựng Hà Nội dẫn đầu trong chuyển đổi số nói chung, kinh tế số nói riêng.
Thêm một “cú huých” nữa để Hà Nội hiện thực hóa khát vọng phát triển kinh tế số, tạo tiền đề để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới là Quy hoạch Thủ đô. Theo đó, Quy hoạch Thủ đô đã đưa ra phương hướng phát triển kinh tế số với nhiều giải pháp.
Cụ thể, Hà Nội đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx); các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.
Quy hoạch Thủ đô đưa ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp; khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh mới. Tham mưu thực hiện các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển kinh tế số. Thúc đẩy phát triển các nền tảng số, phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Triển khai phát triển các công cụ, nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo mô hình xã hội hóa. Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí. Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%.
Đối với phát triển thương mại điện tử, Quy hoạch Thủ đô đưa ra giải pháp xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, làng nghề truyền thống tại Hà Nội chuyển đổi số, làm kinh tế số.
Bên cạnh đó, hỗ trợ triển khai ứng dụng các nền tảng số (nền tảng mạng xã hội, nền tảng di động, ứng dụng bán hàng trực tuyến), sử dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng... Đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Theo phương hướng phát triển kinh tế số trong Quy hoạch Thủ đô, Thành phố sẽ hình thành hệ thống các khu công nghệ thông tin tập trung với quy mô hợp lý về diện tích mặt bằng, phân bổ hợp lý về lĩnh vực chuyên môn. Ưu tiên bố trí tại khu vực vùng phía Bắc (huyện Sóc Sơn, Mê Linh) và khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai và Ba Vì) để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, phần mềm và nội dung số, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tạo ra các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” có giá trị kinh tế cao thúc đẩy phát triển kinh tế số của Thủ đô Hà Nội.
Đồng thời Hà Nội trong tương lai sẽ làm chủ một số thiết bị viễn thông, công nghệ số quan trọng góp phần chuyển đổi số như các thiết bị mạng 5G và các thế hệ tiếp theo, thiết bị IoT. Phát triển các nền tảng, ứng dụng, giải pháp cho chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển các sản phẩm IoT nhằm thúc đẩy thông minh hóa trong các lĩnh vực sản xuất, y tế, nông nghiệp…
Với những giải pháp, phương hướng phát triển kinh tế số trong Quy hoạch Thủ đô, kỳ vọng Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước, xứng tầm là hình ảnh đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là thành phố toàn cầu "Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng - Hạnh phúc".
Minh AnTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.