Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Cần tầm nhìn xa

Cộng tác viên
07:00 AM 29/07/2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia trong tháng 8/2020.

5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Thứ hai, hội đồng quy hoạch quốc gia tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14.

Thứ ba, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và chế độ báo cáo trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch.

Thứ tư, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đảm bảo vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ hoạt động quy hoạch.

Thứ năm, nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia trong tháng 8/2020, theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 8/2020.

Cần tầm nhìn xa

Trước đó, từ tháng 7 - 10/2019, Bộ KH&ĐT đã chủ trì cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo Bộ KH&ĐT, đây là lần đầu tiên quy hoạch tổng thế quốc gia được lập nên không có các căn cứ thời kỳ trước để rà soát đánh giá.

PGS.TS Đỗ Tú Lan - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch Phát triển đô thị nông thôn Quốc gia cho rằng, việc phân vùng để lập quy hoạch là vấn đề rất cần làm rõ hơn, nếu phân theo kiểu kinh tế, xã hội như trước đây (6 vùng kinh tế) thì tất cả khu vực duyên hải từ Bắc đến Nam quy thành một vùng kinh tế thì việc quy hoạch vùng là bất hợp lý.

"Việc quy hoạch vùng đối với ngành xây dựng, môi trường hay thuỷ lợi cần thiết phải xem xét và thiết kế cho một vùng sinh thái có các giải pháp công trình thượng lưu và hạ lưu, việc phân bố dân cư hợp lý giữa không gian địa hình khác nhau, phối kết hợp các hoạt động kinh tế khác nhau" - Bà Lan bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần đề cập định hướng thay đổi cơ cấu ngành về đẳng cấp về công nghệ, trình độ của nền kinh tế và các ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh hiện đại hóa vào các ngành công nghệ cao.

Về quy hoạch hạ tầng, cần làm rõ tầm nhìn hiện đại sẽ phát triển đến đâu, hướng tới một hệ thống đáp ứng nền kinh tế hiện đại, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị theo khuynh hướng hiện đại hóa. “Bên cạnh đó, về kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị, xây dựng phải tách ra làm các mục riêng để có những nhiệm vụ chi tiết” - PGS.TS. Trần Đình Thiên kiến nghị.

Diệu Hoa
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.