Quý I/2022, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong Quý I/2022 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022.
Kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa Quý I/2022 có nhiều điểm sáng
Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; xung đột giữa các nền kinh tế lớn diễn ra căng thẳng; giá nhiên liệu, lương thực và các mặt hàng giao dịch tăng cao khiến đà phục hồi kinh tế thế giới chậm lại. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quý I vẫn giữ được ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục phát triển và khởi sắc.
Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế; tổ chức cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, nghĩa tình và trọn vẹn. Tính đến ngày 18/3/2022, theo báo cáo của Sở Y tế, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 là 99,9%; được tiêm 2 mũi trở lên là 98,8%; tỷ lệ trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 là 99,3%, đủ 2 mũi là 98,6%. Kết thúc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đã triển khai tiêm chủng cho 530.963 người, đạt tỷ lệ 98,6%. Số ca tử vong do Covid-19 thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Quý I năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.420 tỷ đồng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021 và đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (sau Bắc Giang, Hải Dương). Cũng trong quý I, huy động vốn đầu tư phát triển của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 32.296 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 18 dự án đầu tư trực tiếp (3 dự án FDI), tổng số vốn đầu tư đăng ký 881,6 tỷ đồng và 21 triệu USD…
Trong nông nghiệp, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 7,4%, trứng gia cầm tăng 32,4%, sữa tươi tăng 17,6%; trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,69%, có 21/26 sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; trong ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 11,9%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 14,9%, doanh thu vận tải tăng 14,1%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 35,5%; tổng thu NSNN tăng 55%.
Tỉnh đã khởi công, hoàn thành nhiều dự án lớn như: Tổ máy số 1 Nhiệt điện Nghi Sơn II; Nhà máy 9 sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân; Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Trang trại Chăn nuôi gà công nghệ cao 4A tại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân; Trang trại Chăn nuôi gà công nghệ cao 4A tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh.
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa - xã hội được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh; các chính sách an sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Trong quý I, đã giải quyết việc làm cho 13.180 lao động.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức linh hoạt các hình thức dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm hoàn thành chương trình dạy và học theo kế hoạch. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022, học sinh của tỉnh Thanh Hóa đạt 58 giải, trong đó có một giải nhất.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.
Nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2022
Quý II là quý quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, tạo đà cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2022, do đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đề ra18; nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nhất quán, quyết liệt, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với quy định, định hướng của Trung ương.
Hoàn thiện các cơ chế chính sách, chương trình, đề án, dự án, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5. Tiếp tục đấu mối, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh và các Bộ, ngành liên quan để sớm hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa; phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa;
triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2023. Chuẩn bị sẳn sàng các điều kiện để mở cửa du lịch trở lại hoạt động bình thường;
Chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội làm cơ sở để thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đô thị phát triển; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập một "điểm đến hấp dẫn", "bến đỗ an toàn" cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào tỉnh; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh CCHC và chuyển đổi số, tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với giám sát, hướng dẫn kịp thời.
Đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đấu tranh phòng, chống tội phạm quyết liệt, hiệu quả ngay từ cơ sở.
Tất cả các Sở, Ban ngành, cơ quan, tổ chức… trong toàn tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình trong từng lĩnh vực. Kịp thời nắm bắt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Đối với các nhiệm vụ trong Chương trình công tác của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành 36 nội dung, nhiệm vụ được giao chủ trì trong Chương trình công tác năm 2022, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong quý II/2022 đảm bảo thời gian và chất lượng tốt nhất.
Vy Linh - Tri ThứcThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.