Quý I/2023, kinh tế - xã hội Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Chiều 4/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I và đề xuất triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023. Dự và chủ trì cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 của tỉnh giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 13.710 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010).
So với cùng kỳ năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, duy trì tốc độ phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 27,4% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp giảm 27,3%, xây dựng giảm 28,4%; khu vực dịch vụ trong quý I/2023 đã có đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, hỗ trợ cho sự sụt giảm của khu vực công nghiệp - xây dựng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bị giảm sâu do một số nguồn thu, lĩnh vực trọng điểm đạt thấp, đặc biệt nguồn thu chủ lực từ Tập đoàn Trường Hải.
Quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, thu hẹp hơn 1,1 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu GRDP quý I năm 2023: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,7%; dịch vụ chiếm 37,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 23,4%.
Về đầu tư và xây dựng, theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Quảng Nam là 7.778.766 triệu đồng (theo Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh), tăng 905.000 triệu đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, ngân sách Trung ương 3.021.673 triệu đồng, ngân sách địa phương 4.757.093 triệu đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ 6.245.155 triệu đồng, đạt 80%.
Về thu hút đầu tư, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho hay, trong quý 1/2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.100 dự án đầu tư với 970 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng và 194 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,06 tỷ USD. Tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 04 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1,1 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 08 dự án và giảm 2,2 nghìn tỷ đồng về vốn đăng ký; không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam trong quý 1/2023 còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: tăng trưởng trong sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, giá vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong quý I/2023, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, phấn đấu hoàn thành trong quý II/2023.
Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước... để tăng khả năng cạnh tranh.
Tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư Xây dựng cơ bản; đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện các dự án chậm tiến độ; khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công xây dựng các dự án, công trình theo kế hoạch, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn năm 2023 theo quy định.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tập trung khắc phục những tồn tại trong ngành y tế hiện nay.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phùng SơnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.