Quý I/2023, TP. HCM đón 2,1 tỷ USD kiều hối
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I/2023 đạt hơn 2,1 tỉ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ và bằng khoảng 32% tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn trong năm 2022, dù bối cảnh kinh tế năm nay khó khăn hơn.
Nguồn kiều hối chủ yếu được chuyển về từ khu vực châu Á do khu vực này ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là khu vực có lượng kiều hối chuyển về TP. HCM tăng mạnh trong quý I/2023, tăng đến 84% so với cùng kỳ, trong khi các khu vực khác như châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương kiều hối chuyển về giảm do điều kiện kinh tế khó khăn và lạm phát tăng.
Nguồn lực kiều hối cùng với các nguồn vốn khác từ nền kinh tế góp phần vào phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ cũng như tham gia vào các thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của TP. HCM.
Theo Báo cáo về di trú và phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 đạt gần 19 tỉ USD, tăng gần 5% so với năm 2021. Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới.
Riêng TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về năm 2022 đạt hơn 6,6 tỉ USD, chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố và chiếm hơn 50% so cả nước. Trong những năm qua, thành phố cũng luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được.
Theo chuyên gia kinh tế, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam được đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực bất động sản, tiếp đến là để tiêu dùng, san sẻ cho người thân ở trong nước và để đầu tư lĩnh vực khác.
Thời gian vừa qua, các công ty kiều hối không ngừng đa dạng hóa các kênh chi trả, nhằm tạo thuận lợi cho bên nhận và gửi tiền. Ngoài các hình thức nhận kiều hối truyền thống như nhận tại nhà, tại quầy, nhận qua tài khoản, gần đây đã xuất hiện hình thức nhận qua ví điện tử. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Huyền My (t/h)Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.