Quý I/2023, Việt Nam đầu tư ra 15 quốc gia và vùng lãnh thổ
Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, dẫn đầu là Singapore với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 105,5 triệu USD, chiếm 88,3% tổng vốn đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư), 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt gần 119,5 triệu USD, bằng 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 21 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 113,3 triệu USD, bằng 62,8% so với cùng kỳ 2022. Có 7 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 6,2 triệu USD, bằng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 11 ngành. Trong đó, thông tin và truyền thông dẫn đầu với 3 dự án đầu tư mới và 1 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 105,4 triệu USD, chiếm 88,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành dịch vụ khác đứng thứ hai với 1 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 5 triệu USD, chiếm 4,2%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; y tế, công nghiệp chế biến chế tạo…
Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, dẫn đầu là Singapore với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 105,5 triệu USD, chiếm 88,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Campuchia, Australia, Thái Lan, Lào,…
Lũy kế đến tháng 3/2023, Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỷ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm gần 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,5%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,3%);…
Những “đại gia” đầu tư ra nước ngoài lớn của Việt Nam đến thời điểm hiện tại phải kể đến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên chiếm tỷ trọng đầu tư nước ngoài lớn trong ngành khai khoáng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hiện tập đoàn này đang vận hành một nhà máy chế biến mủ cao su có công suất lớn tại Lào.
Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đầu tư vào những thị trường truyền thống mà còn đầu tư vào những thị trường lớn, có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao. Theo các chuyên gia đây là tín hiệu tốt, cho thấy chất lượng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang dần được cải thiện. Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài đều có những tính toán của riêng họ, như để mở rộng thị trường, khai thác nguồn ngoại tệ, hay đơn giản là để chuyên nghiệp hóa hoạt động…
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.