Quý I/2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 69,4 tỷ kWh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong tháng 3/2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 25,7 tỷ kWh, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả quý I, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 69,4 tỷ kWh - tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong quý I như sau: Thủy điện: 10,62 tỷ kWh, chiếm 15,3%; Nhiệt điện than: đạt 39,99 tỷ kWh, chiếm 57,6%; Tua bin khí: 6,06 tỷ kWh, chiếm 8,7%; Năng lượng tái tạo: 11,45 tỷ kWh, chiếm 16,5% (trong đó điện mặt trời đạt 6,61 tỷ kWh, điện gió đạt 4,43 tỷ kWh); Điện nhập khẩu: 1,15 tỷ kWh, chiếm 1,7%.
Sản lượng điện truyền tải tháng 3/2024 đạt 20 tỷ kWh. Lũy kế quý I/2024, sản lượng điện truyền tải đạt 54,36 tỷ kWh, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I, EVN cũng đã tổ chức vận hành cao các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nguồn nước theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm và bơm nội đồng hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.
Tính cả 2 đợt lấy nước đổ ải (10 ngày), tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện là 2,78 tỷ m3 (đợt 1 là 1,893 tỷ m3, đợt 2 là 0,887 tỷ m3), tiết kiệm được 0,72 tỷ m3 nước so với kế hoạch dự kiến.
Công tác đầu tư xây dựng, trong quý I, lãnh đạo EVN đã tăng cường kiểm tra công trường, đôn đốc tiến độ thi công, cung cấp vật tư thiết bị đối với các công trình điện trọng điểm, điển hình là đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; các dự án nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (mở rộng), Ialy (mở rộng), Nhiệt điện Quảng Trạch 1, điện mặt trời Phước Thái 2 và 3.
EVN và các đơn vị đã khởi công 25 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 22 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV, trong đó có một số dự án quan trọng như: Đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm (2 mạch), Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Hảo, mạch 2 đường dây 220 kV Cao Bằng - Bắc Kạn, Trạm biến áp 220 kV Phố Cao và đấu nối...
Trong tháng 3, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 cũng là lần thứ 16 Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng với chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”. Thông điệp được gửi đến cộng đồng với lời kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và không chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ, mà mọi tổ chức, cá nhân cần ghi nhớ và thực hiện thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả năm.
Hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2024, tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, EVN đã đăng tải các nội dung tuyên truyền về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 trên các kênh truyền thông số của Tập đoàn và các đơn vị.
Bên cạnh đó, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố còn đồng thời tuyên truyền các nội dung sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị; đồng thời vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian hưởng ứng Giờ Trái đất.
Sau 1 giờ tắt đèn biểu trưng từ 20h30 - 21h30 ngày 23/3/2024, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 428.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 858,9 triệu đồng).
Dự kiến, tháng 4/2024, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 865,7 triệu kWh/ngày, tăng 10% so với cùng kỳ.
EVN đặt mục tiêu tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương; dịp lễ 30/4 - 01/5.
Vận hành linh hoạt các nguồn thủy điện theo nước về với mục tiêu giữ nước để phục vụ cung cấp điện trong các tháng cao điểm mùa khô.
Để làm được vậy nhiệt điện than, tuabin khí được chuẩn bị đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống và duy trì mức dự phòng nhiên liệu theo quy định.
EVN giao các đơn vị Điện lực làm việc trực tiếp với các khách hàng lớn để nắm bắt sát nhu cầu sử dụng điện của khách hàng hàng tuần, triển khai các chương trình quản lý nhu cầu phụ tải, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện.
Huyền My (t/h)Năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, xuất nhập khẩu Việt Nam - ASEAN đã phục hồi mạnh mẽ, đạt khoảng 84 tỷ USD.