Quý I/2024, tồn kho bất động sản cả nước hơn 23.000 căn
Theo báo cáo mới nhất về tình hình thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng vừa công bố, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong cả nước quý I/2024 vào khoảng 23.029 căn, bao gồm cả chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền.
Trong số đó, chung cư tồn 3.706 căn, nhà ở riêng lẻ tồn 8.468 căn và tồn 10.855 sản phẩm đất nền. Như vậy, đất nền đang dẫn đầu lượng hàng tồn kho và kế tiếp là nhà ở riêng lẻ.
Hiện, nhiều địa phương đang tích cực tổ chức đấu giá đất tại các khu đô thị, khu dân cư mới với lượng giao dịch khá nhộn nhịp. Việc này được cho là động thái tích cực, sẽ tác động mạnh đến thị trường bất động sản, giúp phân khúc đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.
Trước đó, quý IV/2023, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án khoảng 16.300 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền). Trong đó, chung cư hơn 2.800 căn; nhà ở riêng lẻ gần 5.200 căn; đất nền hơn 8.300 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho bất động sản chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Cụ thể, lượng tồn kho bất động sản thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV/2023 giảm 12% so với quý III/2023, nhưng lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền quý IV/2023 tăng 15,6% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ giảm 21% so với quý III/2023.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý. Thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực. Số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm. Việc cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm, xuống cấp tuy đã được quan tâm nhưng còn nhiều vướng mắc, tiến độ chậm so với yêu cầu thực tiễn.
Bởi vậy, trong năm 2024, các doanh nghiệp bất động sản cần tiếp tục chủ động đa dạng hóa nguồn vốn như phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…
Doanh nghiệp huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể và giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý. Đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng sản phẩm, bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội, tiện ích, dịch vụ.
Về giá thành sản phẩm bất động sản, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền
Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
An Mai (t/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.