Quý I/2024, Việt Nam thu về gần 304,1 triệu USD từ xuất khẩu xi măng và clinker

Xuất nhập khẩu
09:30 AM 28/04/2024

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu trên 8,03 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 304,1 triệu USD, tăng 2,3% về lượng nhưng giảm 9,6% về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6%, đạt trung bình 37,9 USD/tấn.

Riêng tháng 3/2024, xuất khẩu xi măng và clinker tăng 39,5% về lượng, tăng 42,2% về kim ngạch và tăng 2% về giá so với tháng 2/2024, đạt gần 2,82 triệu tấn, tương đương gần 108,48 triệu USD, giá trung bình 38,5 USD/tấn; so với tháng 3/2023 thì giảm 3,4% về lượng, giảm 12,8% về kim ngạch và giảm 9,7% về giá.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu xi măng clinker sang thị trường Philippines tăng nhẹ 2,3% về lượng, nhưng giảm 6,9% về kim ngạch và giảm 9% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023, là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng clinker của Việt Nam, chiếm tới 24,9% trong tổng lượng và chiếm 26,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinhker của cả nước, đạt gần 2 triệu tấn, tương đương 81,56 triệu USD, giá trung bình 40,8 USD/tấn.

Quý I/2024, Việt Nam thu về gần 304,1 triệu USD từ xuất khẩu xi măng và clinker- Ảnh 1.

3 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu trên 8,03 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 304,1 triệu USD. Ảnh: Internet

Bangladesh là thị trường xuất khẩu xi măng, clinker lớn thứ 2 của Việt Nam đạt 2,22 triệu tấn, trị giá 69,23 triệu USD, giá trung bình 31,2 USD/tấn (tăng 22% về lượng ngưng giảm 0,5% về kim ngạch và giảm 18,5% về giá); chiếm 27,6% trong tổng lượng và chiếm 22,8% trong tổng kim ngạch.

Tiếp theo đó là thị trường Malaysia chiếm 5,3% trong tổng lượng và chiếm 4,7% trong tổng kim ngạch, đạt 423.673 tấn, tương đương 14,37 triệu USD, giá 33,9 USD/tấn (tăng 6,8% về lượng, nhưng giảm 13,2% về kim ngạch và giảm 18,7% về giá).

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) dự báo xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi..

Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi, vừa tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong, theo đó, với nội tại ngành xi măng, Vicem dự báo tiêu thụ nội địa khó có sự tăng trưởng cao.

Trước những biến động trên, dự báo quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn