Quý I/2025, Hà Nội thu về hơn 6.800 tỷ đồng từ đấu giá đất
3 tháng đầu năm 2025, thành phố Hà Nội đã đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 6.860 tỷ đồng, đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội, theo Kế hoạch số 21, việc đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024-2025 được thực hiện với 735 dự án (284 dự án chuyển tiếp), với tổng diện tích là 555,21ha.
Theo Quyết định số 6336 của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu - chi ngân sách năm 2024, chỉ tiêu thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 là 25.105 tỷ đồng.
Ba tháng đầu năm, thành phố đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm nay với 6.860 tỷ đồng. Năm 2024, thành phố cũng đạt hơn 74% chỉ tiêu, thu được gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất, tính đến cuối tháng 11.

Đết hết tháng 3/2025, Hà Nội đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất của năm
Một số địa phương là điểm nóng đấu giá đất, ghi nhận thu ngân sách lớn. Ví dụ, trong tháng 3, huyện Thanh Oai dự kiến thu 1.384 tỷ đồng chỉ sau ba phiên đấu, đạt hơn 80% dự toán thành phố giao cả năm. Huyện Quốc Oai cũng đấu giá thành công 26 lô đất tại xã Hưng Đạo, trong đó giá trúng cao nhất 104 triệu một m2 - tăng mạnh so với phiên trước.
Về tình hình quản lý và sử dụng đất tại Hà Nội, theo đánh giá sơ bộ kết quả rà soát thống kê đất đai năm 2024 trên địa bàn, tổng diện tích tự nhiên của thành phố (30 xã, phường, thị trấn) là 335.983,58ha, trong đó, đất chưa sử dụng dự kiến đến ngày 31/12/2024 còn 2.635ha, đạt tỷ lệ 23,31% so với diện tích phân bổ.
Về công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là 1.678.912 thửa đất. Việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành được 328.690 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 89,92%.
Để thực hiện hiệu quả Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư "về nghiên cứu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" sẽ tạo chuyển biến mạnh, tác động tích cực đến công tác quản lý đất đai, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đảm bảo việc quản lý đất đai phát huy được tính tích cực, hiện hiệu quả từ công tác sáp nhập.
Đồng thời, tạo sự tập trung, thống nhất trong quản lý đất đai; giảm tầng nấc hành chính trung gian; nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý ở cấp xã. Đặc biệt là đẩy mạnh số hóa và hiện đại hóa quản lý đất đai; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
UBND TP. Hà Nội đề ra các giải pháp cụ thể như: Các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường quản lý đất đai và xử lý vi phạm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý đất đai cho người dân để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành. Trong đó, các đơn vị chủ động giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm từ khi mới phát sinh để tránh tồn đọng kéo dài.
Huyền My (t/h)
Ngày 18/4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa” nhằm lấy ý kiến cho các dự thảo về việc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và các khu phát triển thương mại - văn hóa, tạo lực đẩy cho phát triển Thủ đô.