Quý I/2025, xuất khẩu sang EU tăng trưởng 2 con số
Xuất khẩu hàng hóa sang EU (bao gồm 27 nước) trong quý I năm 2025 tăng trưởng ấn tượng, mang về 13,71 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo số liệu thống kê vừa được Cục Hải quan công bố trong quý I/2025, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng 24,39 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 13,71 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy thủy sản Minh Phú. Ảnh: ĐTCK
EU là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người (bao gồm 27 nước), GDP đạt hơn 18 nghìn tỷ USD. Ðây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với nhiều ngành hàng có thế mạnh như giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng,...
Thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU có nhiều lợi thế nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tăng vọt từ 35 tỷ Euro năm 2019 lên gần 51 tỷ Euro năm 2024, thể hiện rõ trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Từ năm 2021 tới nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của hầu hết các nước EU đều tăng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này ngày càng có nhiều rào cản hơn, khi EU áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất bền vững và hàng loạt quy định pháp lý khắt khe khác.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, EU đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững, chẳng hạn quy định nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu. Hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cũng cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate), chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại.
Trước hàng loạt tiêu chuẩn mới được dựng lên từ các nhà nhập khẩu EU, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại Việt Nam tại EU chia sẻ, đại diện thương mại Việt Nam tại EU đã và đang thực hiện 2 nhóm giải pháp để hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước.
Một là, nhóm giải pháp về hỗ trợ pháp lý, tập trung vào thông tin về các chính sách mới, kết hợp với luật sư nước sở tại về hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp. “Chúng tôi tìm kiếm thêm nhiều doanh nghiệp EU quy mô nhập khẩu vừa phải để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước dễ đáp ứng, kết hợp mời các nhãn hàng, tập đoàn bán lẻ về Việt Nam tham gia các chương trình kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing”.
Hai là, Thương vụ Việt Nam tại EU hỗ trợ doanh nghiệp Việt giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường.
Trong khi đó, doanh nghiệp cần hết sức tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc về chất lượng, an toàn thực phẩm như dư lượng hóa chất, hạn chế chất độc hại trong thiết bị điện tử, chuẩn chỉnh và trung thực trong việc xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, không sử dụng lao động cưỡng bức…
An Mai (t/h)
Thị trường bán lẻ tiện ích (cửa hàng tiện lợi) tại Việt nam lâu nay vốn là mảnh đất màu mỡ, là sân chơi của những thương hiệu lớn với chuỗi cửa hàng phủ sóng tại nhiều tỉnh thành.