Quý II/2023, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
08:01 AM 01/04/2023

Trong quý II/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,9-3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Ngày 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo thường kỳ quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023.

Chia sẻ về tình hình sản xuất và thương mại ngành nông nghiệp trong quý 1/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2022.

Quý II/2023, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lý giải về xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp bị suy giảm, Thứ trưởng cho hay những tháng đầu năm xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động từ các thị trường, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định năm 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn như: Lãi suất ngân hàng cao, room ngân hàng hạn chế, sức tiêu thụ của thị trường giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng… Tuy nhiên, tình hình xuất siêu giảm đang dần được cải thiện. 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh để vượt qua khó khăn sẽ phải đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy, hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường là nhiệm vụ ưu tiên.

Trong quý II/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 2,9-3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tập trung vào nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Bộ yêu cầu ngành chăn nuôi, Thú y phải theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Đối với ngành thủy sản, Bộ yêu cầu kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thủy sản tại địa phương về IUU; Theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm.

Thương Huyền (t/h)
Ý kiến của bạn