Quý III, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ cải thiện
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn trong quý III/2024 so với quý II/2024 và trong năm 2024 so với năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực và phục hồi.
Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước công bố, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, có khoảng 70-75,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III và cả năm 2024. Tính trong cả năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Bên cạnh đó, vẫn có 11% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Các tổ chức tín dụng đồng thời dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng trong quý III có thể cải thiện tốt hơn so với quý II/2024 và trong năm 2024 cải thiện so với năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực. Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III và tăng 10,1% trong năm 2024, cao hơn mức dự báo 9,9% ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III và tăng 14,1% trong năm 2024, tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước.
Để chuẩn bị nguồn tiền lãi suất ổn định bơm ra nền kinh tế, thời gian gần đây ngân hàng mạnh tay cơ cấu dòng vốn bằng việc tăng lãi suất và đẩy mạnh phát hành trái phiếu.
Theo thống kê của Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Ratings), các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104 nghìn tỷ đồng của năm 2019, và trái phiếu tăng vốn cấp 2 đóng góp 35% tổng giá trị phát hành.
Tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường, không có tài sản đảm bảo được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu phát hành.
Công ty Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Ratings) cũng dự báo, khối ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh phát hành trái phiếu trong năm 2024. Quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn giải ngân cho vay trung và dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn. Đồng thời, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn.
Huyền My (t/h)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.