Quy luật cung cầu kéo giá lợn hơi "hạ nhiệt" trong tháng 3

Thị trường
05:45 PM 02/04/2021

Trong tháng 3/2021, giá lợn hơi có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm. Quy luật cung cầu chính là yếu tố quyết định giá cả thị trường lợn hơi hiện nay.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 3/2021, giá lợn hơi có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm. Hiện giá lợn sống dao động trong khoảng 73.000 - 77.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 2/2021. 

Hiện tại, mức giá thấp nhất cả nước là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn cao nhất là khu vực miền Nam. Một trong những lý do khiến giá lợn giảm là ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại đã tác động tới nhu cầu, thương mại khi các nhà hàng buộc phải đóng cửa.

Quy luật cung cầu kéo giá lợn hơi "hạ nhiệt" trong tháng 3 - Ảnh 1.

Trong tháng 3/2021, giá lợn hơi có xu hướng giảm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3/2021, tổng số lợn tăng 11,6%; tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5%. Mặc dù giá lợn hơi có điều chỉnh giảm nhưng giá bán lẻ tại các chợ, siêu thị vẫn ở mức cao. Tại cửa hàng VinMart và một số công ty thực phẩm bán lẻ những ngày gần đây không xuất hiện điều chỉnh mới. Hiện mức giá đang bán dao động trong khoảng 143.900 - 264.900 đồng/kg tại VinMart. Tại Công ty Thực phẩm tươi sống Hà Hiền mức giá ghi nhận ở mức ổn định và dao động trong khoảng 50.000 - 155.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 3/2021 dao động trong khoảng từ 120.000 - 150.000 đồng/kg tùy loại.

Về nhập khẩu thịt lợn, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2021, Việt Nam nhập khẩu 8,64 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 21,06 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với tháng 2/2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 18,89 nghìn tấn thịt lợn, trị giá 45,39 triệu USD, tăng 88,7% về lượng và tăng 107,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 (chiếm 59,4%); tiếp đến là Canada (16,79%); Brazil 6,27%; Ba Lan 5,144%; Hoa Kỳ 3,02% và các thị trường khác là 9,38%.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 2/2021, Việt Nam xuất khẩu được 1,27 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 4,43 triệu USD, giảm 17,7% về lượng và giảm 24,9% về trị giá so với tháng 1/2021. Thịt và các sản phẩm thịt được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hồng Kông, Hàn Quốc.

Trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 5 - 6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2020; thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 5,8%; thịt bò đạt khoảng 395 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả, tăng 7,5% và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn, tăng 11,5% so với năm 2020.

Thương Huyền (TH)
Ý kiến của bạn
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD.