Quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 500 tỷ USD vào 2025
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng đáng kể, với mục tiêu đạt khoảng 6% mỗi năm, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tăng trưởng cao trên thế giới và trong khu vực. Quy mô nền kinh tế năm 2025 dự kiến khoảng 500 tỷ USD, tăng 1,45 lần so với năm 2020, xếp thứ 33 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN.
Tại hội nghị toàn quốc về phát triển kinh tế - xã hội ngày 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP cả năm nay ước đạt khoảng 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Dựa trên kết quả từ đầu nhiệm kỳ, ước tính tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 khoảng 6% mỗi năm.
"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm ở nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới", ông nói.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô nền kinh tế đã tăng từ 346 tỷ USD, xếp thứ 37 trên thế giới năm 2020 lên 433 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới năm 2023.
Thủ tướng đánh giá quy mô nền kinh tế dự kiến đạt khoảng 500 tỷ USD năm 2025. Số này tăng 1,45 lần so với năm 2020, xếp thứ 33 thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN. Cùng đó, GDP bình quân đầu người sẽ tăng từ 3.720 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025. Mức tăng tương ứng khoảng 31,7%.
Đến cuối năm 2025, cả nước sẽ có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc (đạt mục tiêu đề ra) và tiếp tục triển khai nhiều dự án cho giai đoạn 2026-2030.
"Đánh giá chung 5 năm 2021-2025, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các mục tiêu chủ yếu và nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, chỉ số phát triển con người được cải thiện, chỉ số hạnh phúc năm 2024 theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng 11 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo nền tảng cho giai đoạn sau phát triển cao hơn; góp phần chứng minh nhận định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng xác định 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Các bộ, ngành cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc nhóm 30 nền kinh tế có GDP hàng đầu thế giới, với quy mô nền kinh tế đạt khoảng 780-800 tỷ USD. Một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025 cần phấn đấu là tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%). GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%.
Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,5-8,5%/năm; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.400-7.600 USD.
Để đạt mục tiêu, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều dự án cho giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục được triển khai. Hạ tầng số, hạ tầng điện cũng được đầu tư xây dựng trên cả nước.
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần cải cách, đổi mới, tăng phân cấp, quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Cùng đó, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được phát triển mạnh mẽ. Việc này nhằm tạo bứt phá trong tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Huyền My (t/h)Các chỉ số về kinh tế - xã hội của cả nước trong tháng 11 và 11 tháng năm 2024 duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.