Quy mô nền kinh tế TP. Đà Nẵng ước đạt gần 65.000 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế TP. Đà Nẵng trong 6 tháng 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, kinh tế thành phố giữ được nhịp độ tăng trưởng trong Quý I/2023 với mức tăng sơ bộ so với cùng kỳ đạt 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng. Tuy nhiên, bước sang Quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022, một số lĩnh vực kinh tế có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, quy mô VA khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng gần 17 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 363 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 346 tỷ đồng).
Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực so với cùng kỳ năm trước: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93%.
Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước.
Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước, đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 01 bậc so với cùng kỳ năm 2022 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Tính riêng Quý II năm 2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022 và toàn bộ 4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 đều đạt tốc độ tăng khá cao. Trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, một số ngành có mức tăng quý II/2023 khá cao, đóng góp tích cực vào mức tăng IIP chung toàn ngành như: sản xuất chế biến thực phẩm (+32,7%); Dệt (+74,2%); Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (32,1%); Sản xuất kim loại (+29,9%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+25,5%)...
Sự phục hồi tích cực ở một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong Quý II/2023 đã góp phần thu hẹp mức giảm chung của toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023.
Về hoạt động du lịch, cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.618 tỷ đồng, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 4.227 tỷ đồng, tăng 76,9%; lĩnh vực ăn uống đạt 6.341 tỷ đồng, tăng 21,5%.
Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 6 năm 2023 ước đạt gần 706.000 lượt, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 34,1% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 179,2 nghìn lượt, tăng 3,9% tháng trước và gấp 3,8 lần tháng cùng kỳ; khách du lịch trong nước ước đạt 526,8 nghìn lượt, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 9,8% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3.508 nghìn lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 930.000 lượt, cao gấp 11,3 lần cùng kỳ; khách trong nước 2.578 nghìn lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ.
Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,71 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,21 ngày/lượt; khách trong nước là 1,42 ngày/lượt (cùng kỳ năm 2022: 2,57ngày/lượt đối với khách chung; 1,96 ngày/lượt đối với quốc tế và 2,61 ngày/lượt đối với khách trong nước)...
Nguyễn TuấnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.