Quy mô thị trường xe điện Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 2,93 tỷ USD

Kinh doanh
08:45 AM 28/03/2025

Xe điện tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, là xu hướng tất yếu giúp giảm ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy giao thông bền vững.

Sự phát triển mạnh mẽ của xe điện đang trở thành xu hướng toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài làn sóng này. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, việc thúc đẩy sử dụng xe máy điện không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp cải thiện chất lượng không khí và hướng tới giao thông bền vững.

Quy mô thị trường xe điện Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 2,93 tỷ USD- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: KTĐT

Báo cáo "Hành trình bứt phá chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo, quy mô thị trường xe điện Việt Nam năm 2025 có thể đạt 2,93 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 6,69 tỷ USD vào năm 2030. 

Đến năm 2035, xe điện hai bánh có thể chiếm tới 56% tổng doanh số bán xe hai bánh tại Việt Nam, một con số ấn tượng cho thấy sự phát triển vượt bậc của phương tiện giao thông xanh. Điều này không chỉ phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức mà còn cho thấy sự chuyển biến tích cực trong hành vi tiêu dùng của người dân đối với phương tiện giao thông bền vững.

Tương tự, nhận định về xu hướng của thị trường xe điện Việt Nam trong năm 2025, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng nhận định, thị trường tiêu thụ xe điện sẽ tiếp tục đà tăng trưởng bởi không chỉ các khách hàng là người dùng cá nhân mà ngay cả ngành vận tải taxi tại Việt Nam cũng đang chuyển mình với sự tham gia của các tên tuổi lớn trong cuộc đua “xanh hoá” đội xe theo Quyết định 876 của Chính phủ.

Theo đó, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% taxi sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh. Một yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy thị trường ô tô điện chính là sự phát triển của hạ tầng trạm sạc điện. Chính phủ dự kiến từ nay đến cuối năm 2025 sẽ đầu tư vào việc xây dựng hơn 20.000 trạm sạc trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ tham gia vào việc xây dựng và vận hành các trạm sạc, giúp nâng cao tính tiện lợi khi sử dụng ô tô điện.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện người tiêu dùng đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của việc sở hữu một chiếc xe điện, từ chi phí nhiên liệu, sự thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng rẻ… Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện, khiến sức tiêu thụ xe điện tiếp tục tăng cao.

Với hàng loạt lợi ích rõ rệt, WB khuyến nghị Việt Nam cần một cách tiếp cận toàn diện để thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông. Một trong những giải pháp quan trọng là thiết lập cơ quan quản lý liên bộ nhằm điều phối chiến lược phát triển xe điện, đảm bảo sự liên kết giữa các chính sách hỗ trợ, quy hoạch hạ tầng và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Ngoài ra, cần mở rộng hệ thống trạm sạc nhanh, đặc biệt ở các đô thị lớn và các tuyến đường quan trọng để tăng sự tiện lợi cho người sử dụng. Đồng thời, việc nghiên cứu và phát triển các mô hình cho thuê pin hoặc đổi pin nhanh có thể giúp người dùng giảm bớt nỗi lo về thời gian sạc và chi phí ban đầu.

Hơn nữa, chính sách ưu đãi về thuế và trợ giá sẽ là động lực lớn để người dân chuyển đổi sang xe điện. Nếu có sự hỗ trợ từ chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian chuyển đổi sang xe máy điện, tiến gần hơn đến mục tiêu giao thông bền vững.

Xe máy điện tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ từ đầu năm 2025, trở thành giải pháp tất yếu giúp giảm ô nhiễm và thúc đẩy giao thông bền vững. Dù còn thách thức, với chính sách và đầu tư phù hợp, xe máy điện có thể sớm trở thành phương tiện chủ đạo, góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, sạch và hiện đại.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng Thủ tướng: Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc cho 1.533 dự án kéo dài, tồn đọng

Sáng 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án để nghe báo cáo về tình hình rà soát, đánh giá, tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang tồn đọng.