Quy mô thương mại điện tử tăng 25% so với cùng kỳ
Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số, với quy mô năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023 chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực thương mại điện tử khi quy mô lĩnh vực này dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD, tương đương 25%, so với năm ngoái.
Đặc biệt, thương mại điện tử đã chiếm đến gần 70% tỉ trọng của nền kinh tế số. Thế nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến trên môi trường thương mại điện tử.
Tổng Cục Quản lý thị trường cho biết, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỉ USD thì đến năm 2022, con số này tăng lên thành 35 tỉ USD.
Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm qua mạng cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% dân số.
Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế số của Đông Nam Á năm 2023 (công bố hồi đầu tháng 11/2023) cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về quy mô nền kinh tế số với tổng giá trị hàng hóa khoảng 30 tỷ USD và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.
Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…
Bán hàng đa kênh duy trì vị trí đứng đầu trong xu hướng thương mại điện tử năm 2023. Khảo sát cho thấy có khoảng 56% khách hàng sử dụng smartphone nghiên cứu về sản phẩm khi đang ở trong cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, 75% người dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, cửa hàng… để mua sắm. Và khoảng 73% tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình trải nghiệm.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số cho hay, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20-25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số đạt 50%, 70% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng chuyển đổi số.
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng, Bộ Công Thương thừa nhận, đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường.
Bộ này mong muốn hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tối ưu hóa các phương thức vận chuyển, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa, giảm khí phát thải.
Thực hiện Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý những vi phạm.
Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.