Quỹ Phòng chống thiên tai của các địa phương còn 2.263 tỷ đồng
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, từ năm 2014 đến 20/9/2024, Quỹ Phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ, còn kết dư 2.263 tỷ đồng.
Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, bao gồm Quỹ phòng chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.
Quỹ cấp tỉnh được thành lập từ năm 2014, quỹ trung ương chưa hoạt động do vướng mắc về mô hình hoạt động theo Nghị định 78/2021. Nguồn quỹ đến từ sự hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn (tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng); điều tiết từ Quỹ trung ương và giữa các Quỹ cấp tỉnh; tiền lãi các khoản gửi; tồn dư từ năm trước sang năm sau.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, từ năm 2014 đến 20/9/2024, Quỹ Phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành thu được 5.925 tỷ đồng, đã chi 3.686 tỷ, còn kết dư 2.263 tỷ đồng. Quỹ sẽ chi cho ba hoạt động chính là ứng phó thiên tai; cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và hoạt động phòng ngừa.
Về thẩm quyền chi quỹ: UBND cấp tỉnh quy định chi tiết nội dung chi và mức chi của quỹ cấp tỉnh tại Điều 16 Nghị định 78/2021/NĐ-CP theo đề nghị của cơ quan quản lý quỹ cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã quyết định nội dung chi và mức chi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngoài các nội dung chi tại khoản 1 Điều 16 cho các đối tượng theo đề nghị của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.
Việc điều chuyển cho quỹ trung ương thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc cho các quỹ cấp tỉnh của địa phương khác theo quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Từ quy định về nguồn tài chính, nội dung chi của quỹ nêu trên cho thấy nếu tỉnh nào trong năm ít có thiệt hại về thiên tai thì sẽ không phải sử dụng nhiều đến Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh dẫn đến việc tồn dư quỹ sẽ nhiều. Nhưng khi thiên tai bất ngờ xảy ra, gây thiệt hại lớn cho địa phương, việc sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thực sự cần thiết và ý nghĩa. Đồng thời, các tỉnh còn tồn dư quỹ có thể tạm ứng hoặc hỗ trợ các tỉnh khác theo quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh. Như vậy, việc tồn quỹ cuối năm nhiều hay ít phụ thuộc vào tình hình thiên tai hàng năm tại địa phương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết.
Về việc điều chuyển Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh hỗ trợ các địa phương khác bị thiệt hại được thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 17 Nghị định 78/2021/NĐ-CP. Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được thực hiện việc điều chuyển cho quỹ cấp tỉnh của địa phương khác theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Đơn cử năm 2017 và 2021, TP HCM hỗ trợ Công ty Thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 7,5 tỷ đồng. TP Đà Nẵng hỗ trợ cho 14 tỉnh ở miền Bắc và Trung gần 50 tỷ đồng trong những năm qua.
Đến ngày 21/9, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 61.000 tỷ đồng, dẫn đến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%). Bão và hoàn lưu sau bão làm 299 người chết, 34 người mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238.000 ngôi nhà; trên 195.000 hecta lúa, 47.000 hecta hoa màu, 36.000 hecta cây ăn quả bị ngập úng; trên 4.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.